Bệnh đậu mùa khỉ - Khó bùng phát thành đại dịch
Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo, vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ có thể tiếp tục lây lan và sẽ có thêm nhiều nước có trường hợp mắc bệnh. Trước thực tế đó, nhiều người lo ngại về nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ bùng phát thành đại dịch như Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, khả năng này là khó xảy ra.
Giao tiếp thông thường khó lây bệnh
Theo WHO, kể từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13-5-2022 cho đến nay, trên thế giới đã ghi nhận hơn 1.000 ca bệnh đậu mùa khỉ ở 30 quốc gia ngoài châu Phi - nơi lưu hành phổ biến của bệnh. Trong đó, Anh có nhiều bệnh nhân nhất, tiếp theo là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada và Đức.
Tiến sĩ Ngô Thanh Hà, Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, đậu mùa khỉ có hai chủng, một chủng có nguồn gốc từ Congo. Nếu con người mắc phải chủng này thì tỷ lệ tử vong là 10%. Còn chủng khác lưu hành ở Tây Phi, tỷ lệ tử vong 1%. Hiện tại, bệnh đậu mùa khỉ đang lưu hành, gây dịch ở Anh và châu Âu là chủng ở Tây Phi. Theo y văn thế giới, khả năng lây truyền của bệnh này không cao.
“Những nghiên cứu về vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua đường không khí nhưng rất khó. Thực tế, con người phải tiếp xúc với một lượng lớn nước bọt của người bệnh mới có khả năng mắc bệnh. Ngoài ra, việc lây nhiễm bệnh còn qua niêm mạc, đường máu, tiếp xúc bề mặt chứa vi rút… Do vậy, khi giao tiếp thông thường khó lây nhiễm bệnh. Một bệnh muốn bùng phát thành đại dịch thì khả năng lây lan của nó phải rất lớn. Tuy nhiên, cấp độ lây lan của đậu mùa khỉ không nhiều nên bệnh này khó bùng phát thành đại dịch”, Tiến sĩ Ngô Thanh Hà lý giải.
Bệnh đậu mùa khỉ và Covid-19 lây lan trong bối cảnh khác nhau và theo cách khác nhau. Hiện, thế giới cũng chưa có bằng chứng cho thấy bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan như vi rút SARS-CoV-2. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, đậu mùa khỉ rất khó bùng phát thành đại dịch như Covid-19. Nếu bùng phát thì cũng chỉ ở phạm vi hẹp, cấp quốc gia hoặc bé hơn theo từng vùng.
Còn theo Tiến sĩ Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, một người có thể nhiễm bệnh đậu mùa khỉ khi có tiếp xúc gần với bệnh nhân có triệu chứng, thông qua các nốt phát ban, chất dịch cơ thể như mủ hoặc máu từ vết thương trên da, nước bọt, vảy của tổn thương. Ngoài ra, quần áo, ga trải giường, khăn tắm hoặc các đồ dùng như bát đĩa bị nhiễm mầm bệnh cũng có thể gây bệnh. Không có bằng chứng cho thấy bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan như vi rút SARS-CoV-2.
Người dân không nên quá hoang mang
Theo Tiến sĩ Ngô Thanh Hà, biểu hiện ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ giống với cảm cúm. Cụ thể là 1-3 ngày đầu người bệnh sẽ sốt, đau mỏi cơ, kèm theo mệt mỏi, chán ăn. Sau ngày thứ 3 trở đi, bệnh nhân sẽ xuất hiện phát ban trên cơ thể. Đầu tiên phát ban xuất hiện ở mặt, sau đó ở toàn thân, tay chân. Nốt ban là những nốt phổng nước và sau khi ban bay đi thường để lại sẹo trên cơ thể.
Tiến sĩ Ngô Thanh Hà đưa ra lưu ý, bệnh đậu mùa khỉ khó bùng phát thành đại dịch. Dù vậy, với dịch bệnh không thể nói trước được điều gì. Do đó, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác nhưng không nên quá hoang mang. Hiện, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhưng với các du khách khi đi đến những vùng dịch tễ lưu hành đậu mùa khỉ thì cần hạn chế tiếp xúc với động vật hoang dã như khỉ, động vật gặm nhấm… Khi về Việt Nam, nếu có biểu hiện sốt cao, mỏi người, phát ban trên cơ thể thì người dân cần phải báo ngay cho cơ sở y tế và chính quyền địa phương. Cho tới nay, trên thế giới vẫn chưa có vắc xin phòng đậu mùa khỉ.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc tiêm vắc xin đậu mùa có thể phòng tránh được đậu mùa khỉ, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo không nên tiêm tràn lan mà chỉ tiêm ở vùng có nguy cơ, người tiếp xúc gần. Ngoài ra, hiện nay, bệnh chỉ mới xuất hiện ở một số nước châu Phi và châu Âu nên việc tiêm vắc xin thời điểm này là chưa thực sự cần thiết.
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, nếu ca bệnh xuất hiện tại nước ta thì chỉ là những ca xâm nhập, do đó không được để lây lan, cần can thiệp sớm, cách ly người mắc kịp thời. Dù bệnh đậu mùa đã được thanh toán từ nhiều thập kỷ trước, chưa phát hiện thấy có bệnh nhân đậu mùa khỉ nhưng nước ta vẫn lưu hành bệnh thủy đậu, zona vi rút, bệnh phát ban có mọng nước… Vì vậy, người dân khi có các triệu chứng trên cần đến cơ sở y tế để thăm khám và loại trừ. Ngoài ra, người dân cần giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, khử khuẩn, không ngủ chung chăn, gối với người nhiễm bệnh, cách ly y tế người nhiễm...