Bệnh dễ truyền nhiễm nhất thế giới có dấu hiệu quay trở lại
Sự gia tăng mạnh mẽ các ca mắc bệnh sởi tại Mỹ và nhiều khu vực khác báo động nguy cơ suy yếu hệ thống y tế công cộng toàn cầu.
h
Bệnh sởi, căn bệnh dễ truyền nhiễm nhất ở người, đang tái bùng phát mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ sụp đổ các chương trình tiêm chủng và hệ thống y tế cộng đồng.
Tính đến ngày 9/5, Mỹ đã ghi nhận 1.001 ca mắc và 3 ca tử vong vì bệnh sởi. Đây là mức tăng đột biến so với con số 285 ca và không có ca tử vong trong suốt năm 2024, CNA đưa tin.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mỹ từng được công nhận là quốc gia đã loại trừ bệnh sởi vào năm 2000. Tuy nhiên, nếu tình hình không được kiểm soát, Mỹ có thể mất tư cách này vào năm 2026.
Trong đợt bùng phát hiện nay tại Mỹ, khoảng 30% ca bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó 25% ca mắc phải nhập viện. 2 trong 3 ca tử vong được xác nhận là trẻ em 6 và 8 tuổi.

Phần lớn các ca mắc sởi ở Mỹ là những trường hợp chưa tiêm vaccine. Ảnh: Reuters.
Tình trạng gia tăng ca mắc không chỉ giới hạn ở Mỹ. Tại châu Âu, gần 6.000 ca đã được báo cáo lên Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu trong năm 2025.
Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi trong 3 tháng đầu năm 2025 đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, với các ca lan truyền tại Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Các chuyên gia y tế cộng đồng xem bệnh sởi là “chim hoàng yến trong mỏ than”, một chỉ dấu sớm cảnh báo sự suy yếu của hệ thống y tế công. Tiến sĩ Hsu Li Yang từ Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock (Singapore) nhận định: “Việc bệnh sởi quay trở lại là một lời cảnh tỉnh nghiêm trọng về những lỗ hổng trong tiêm chủng và niềm tin công chúng”.
Mặc dù có vaccine hiệu quả từ năm 1963, bệnh sởi vẫn cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, trên toàn cầu trong năm 2023, theo WHO. Vaccine phòng sởi đã cứu sống ước tính 94 triệu người trong vòng nửa thế kỷ qua, nhiều hơn bất kỳ loại vaccine nào ngoại trừ vaccine phòng đậu mùa.
Tuy nhiên, một loạt yếu tố hậu Covid-19 đang làm trầm trọng thêm tình hình. Các chương trình tiêm chủng bị gián đoạn do đại dịch và việc khôi phục dịch vụ sau đó diễn ra chậm chạp.
Cùng lúc, tâm lý e ngại vaccine lan rộng, bị thúc đẩy bởi thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội, theo CNA.
Một trong những yếu tố then chốt là tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng cần đạt ít nhất 95% để ngăn chặn sự lây lan.
“Chỉ cần một sự sụt giảm nhỏ cũng đủ tạo ra các ổ dịch”, báo cáo của WHO cảnh báo. Tại Mỹ, phần lớn ca bệnh gần đây đều chưa được tiêm phòng.
Tình hình có thể sẽ xấu đi khi Mỹ, vốn là nhà tài trợ lớn cho các chương trình tiêm chủng toàn cầu, đang rút lui. Việc hủy bỏ khoản tài trợ trị giá hàng tỷ USD cho Gavi (Liên minh Vaccine) cùng với kế hoạch rút khỏi WHO sẽ đe dọa nghiêm trọng đến hệ thống giám sát sởi toàn cầu, vốn bao gồm hơn 760 phòng thí nghiệm tại 150 quốc gia.