Bệnh háo danh
BPO - Xin kể mẩu chuyện nhỏ, có anh thợ quay phim, chụp ảnh thường được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thuê mỗi khi có hội nghị tổng kết, hội thi, hội diễn... Quen dần, anh có thể thoải mái vào ra các hội nghị. Là người chụp hình, nhưng bản thân anh cũng rất thích được chụp hình - tất nhiên là chụp với quan chức, nghệ sĩ, người nổi tiếng. Anh thường mở điện thoại khoe với mọi người những tấm hình anh chụp với chú sáu, bác bảy, cô ba... ở Trung ương và cho biết mình là họ hàng hoặc họ hàng bên thông gia của các vị ấy. Anh cũng hay khoe mình là bạn học cùng khóa, cùng trường với shark này, nghệ sĩ tài danh kia... Một lần có nghệ sĩ tên tuổi về giao lưu với văn nghệ sĩ trong tỉnh. Lúc gần kết thúc buổi giao lưu, anh dúi điện thoại vào tay tôi thì thầm ra vẻ quan trọng:
- Lúc anh ấy (nghệ sĩ khách mời) đứng dậy bắt tay các lãnh đạo tỉnh, tôi sẽ lựa thời cơ đến gần, anh cứ bấm chụp liên tục giúp tôi nhé!
Buồn cười, nhưng tôi cũng làm theo. Và trong cả loạt ảnh tôi chụp hôm ấy, anh cũng lựa được một tấm ưng ý. Anh lấy tấm hình đó làm giao diện màn hình điện thoại và máy tính. Nhiều hôm anh mang laptop đến hội nghị, khởi động máy rồi để đó cho mọi người được chiêm ngưỡng tấm hình anh đeo toòng teng máy ảnh trước ngực và nghiêng đầu bên nghệ sĩ tên tuổi nọ, trông anh cũng y như một nghệ sĩ “bằng vai phải lứa” với người đứng cạnh mình. Có người vỗ vai khen anh vinh dự và may mắn, nhưng có người bĩu môi, bảo anh là háo danh, là “thấy người sang bắt quàng làm họ”.
Một câu chuyện khác, gần nhà tôi có anh công tác tại một sở quan trọng của tỉnh với chức danh trưởng phòng. Anh là hàng xóm sát nhà của giám đốc sở này nên hai gia đình khá thân nhau. Có dạo cả hai vợ chồng giám đốc đi học dài ngày, phải gửi con cho anh trưởng phòng nhờ chăm sóc hộ. Mối quan hệ của họ càng thắm thiết. Điều đó chẳng có gì đáng nói, nếu anh trưởng phòng không mượn oai là người thân thiết của giám đốc để nạt nộ cấp dưới, thậm chí ra oai cả với phó giám đốc và các trưởng phòng khác trong cơ quan. Vị giám đốc không biết là vô tình không để ý thái độ của anh trưởng phòng hay vì nể nang nên không nhắc nhở, khiến anh em trong cơ quan rất bức xúc. Đến khi giám đốc được điều về làm lãnh đạo một địa phương, anh trưởng phòng buồn xo. Rồi không biết vì không còn nạt nộ được người khác hay không chịu nổi những ánh mắt gièm pha cùng những lời nói thiếu thiện cảm của mọi người mà một thời gian sau, anh xin nghỉ hưu non.
Việc anh thợ ảnh thích được chụp hình và nhận mình là người nhà, người quen của các yếu nhân chỉ để cho oai nên cũng chẳng gây phương hại đến ai, dù có lúc bị mang tiếng háo danh. Nhưng kiểu người như anh trưởng phòng nọ chính là mượn danh người khác để làm những điều đáng chê trách.
Nghĩ lại những chuyện nêu trên, tôi chợt nhớ một câu chuyện ngụ ngôn của nước ngoài. Chuyện rằng, có một con lừa được giao thồ những vật dụng của nhà chùa từ chân núi lên ngôi chùa trên đỉnh núi. Đi đến đâu, lừa cũng được người dân bên đường tung hoa, quỳ gối lễ bái. Nghĩ rằng mình cao quý nên loài người mới thể hiện sự cung kính như thế, lừa sinh tâm tự kiêu, không muốn ở lại chùa để làm những công việc tầm thường nữa. Nhưng khi xuống núi, nó đi tới đâu cũng không ai để ý. Lừa mang lòng oán trách con người thay lòng đổi dạ. Một hôm buồn quá, lừa trở lại ngôi chùa trên đỉnh núi, tìm gặp vị hòa thượng và giãi bày niềm thất vọng về lòng dạ con người, hòa thượng nghe xong, ôn tồn giải thích:
- Người ta tung hoa và vái khi con đi qua là thể hiện sự cung kính với đức Phật qua những bức tượng cùng kinh sách của ngài mà con mang trên lưng, chứ không phải người ta hành lễ với con đâu!
Lúc ấy, lừa mới nhận ra là mình mắc bệnh háo danh và ảo tưởng!
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/158556/benh-hao-danh