Bệnh khiến nữ MC VTV nguy cơ mắt bị mù vĩnh viễn, nhiều người trẻ gặp vì thói quen vẫn làm mỗi ngày
MC Thu Hương mới đây đã chia sẻ về tình trạng bệnh khá nặng khi thị lực mắt ảnh hưởng. Điều đáng nói, căn bệnh khiến nữ MC VTV nguy cơ mắt bị mù vĩnh viễn ấy nhiều người trẻ cũng gặp vì thói quen vẫn làm mỗi ngày.
Nguy cơ mù mắt vì đục thủy tinh thể
Theo chia sẻ của MC Thu Hương với báo giới, từ năm ngoái mắt của cô đã có dấu hiệu yếu đi nhưng chủ quan vì cho rằng làm việc nhiều nên mắt bị mỏi, cùng với công việc nhà đài khá bận nên quên đi. Mới đây, tình trạng ngày càng trầm trọng hơn nên cô đi khám, bác sĩ chẩn đoán cô bị đục thủy tinh thể và khuyên cần phẫu thuật sớm nếu không sẽ bị mù. Cô cũng cho biết, bác sĩ nói phải thay thủy tinh thể nhân tạo cả hai mắt và một số vấn đề nữa. Điều này cùng với việc đang gặp nhiều chuyện về tài chính nên khiến cô khá stress.
Thông tin về bệnh tình của nữ MC VTV Thu Hương được chia sẻ đã khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ bất ngờ. Họ cũng rất lo lắng trước tình trạng bệnh tình của cô.
Trên thực tế, căn bệnh đục thể tinh thể rất nhiều người mắc phải. Trước nay, mọi người vẫn nghĩ đục thủy tinh thể là bệnh chỉ xảy ra ở người cao tuổi, nhưng nhiều người trẻ cũng gặp phải. Một ước tính của BV Mắt Trung ương cho thấy trong tổng số ca mắc đục thủy tinh thể đến thì người trẻ chiếm tới 30 – 40%.
Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, BS Trịnh Thị Bích Ngọc – nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân gây mù chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới cũng như ở nước ta nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn tới mù hoàn toàn. Bệnh thường có 4 nguyên nhân chính là do bẩm sinh, mắc phải do bệnh lý toàn thân như tiểu đường, lupus hệ thống..; do chấn thương trong quá trình hoạt động thể thao, lao động ảnh hưởng đến mắt và do lão hóa ở tuổi già.
Hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ mắc phải bệnh này do tác động bởi lối sống chủ quan, thiếu ý thức chăm sóc mắt, yếu tố bệnh lý như những người làm trong môi trường độc hại, đục thủy tinh thể thứ phát sau bệnh glocom, viêm màng bồ đào... Ngoài ra, thói quen mỗi ngày từ việc sử dụng máy tính, điện thoại, tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím… không biết điều tiết làm mắt quá tải.
Việc lạm dụng thuốc cũng là nguyên nhân dẫn tới đục thủy tinh thể. Có những người tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị đau mắt, lạm dụng trong thời gian dài mà không theo chỉ định của bác sỹ hoặc mắc các bệnh lý như viêm khớp, bị gout, viêm tai mũi họng... trong thuốc điều trị có thuốc chống viêm corticoid, quá trình điều trị kéo dài cũng gây ra đục thủy tinh thể.
Những dấu hiệu ban đầu không nên chủ quan
Theo các bác sĩ khoa Mắt (Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108), bệnh đục thủy tinh thể có khả năng gây mù cao nhưng đáng nói là bệnh không hề có triệu chứng rõ ràng. Thời gian đầu khó nhận ra, không gây khó chịu hay đau đớn nên chỉ đến khi bệnh quá nặng, suy giảm thị lực nghiêm trọng thì người bệnh mới đi khám. Những triệu chứng ban đầu mọi người thấy mắt bị mờ, yếu hơn hẳn. Nếu là trẻ nhỏ thì hơi quờ quạng, còn người lớn thì có thể đo thị lực để xác định độ mờ mắt; Lóa mắt: sợ ánh sáng, khi ra đường vào ban ngày thì cảm thấy chói, mọi thứ đều mờ ảo; Lác mắt; Thường xuyên phải thay đổi kính đeo mắt…
BS Trịnh Thị Bích Ngọc khuyến cáo, mọi người đừng để khi mắc đục thủy tinh thể mới điều trị mà cần phòng ngừa bệnh ngay từ đầu. Theo đó, mọi người cần chú ý khám mắt định kỳ để sớm phát hiện những bất thường ở mắt và khám ngay khi thấy có biểu hiện mắt mờ. Cùng với đó, chế độ ăn uống cũng giúp cho đôi mắt được khỏe mạnh. Nên ăn nhiều các thực phẩm chứa vitamin A, C, bổ sung chất chống oxi hóa.
Ngoài ra, mọi người cần điều trị, kiểm soát tốt các bệnh lý như đái tháo đường, các bệnh tại mắt như viêm màng bồ đào, glocom. Thực hiện đúng chế độ ăn kiêng nếu bị đái tháo đường, kiểm soát tốt đường huyết… Trong sinh hoạt cần phải giữ gìn chăm sóc mắt, sử dụng thiết bị điện tử một cách có kiểu soát.
Người trẻ khi bị đục thủy tinh thể thì ngoài trường hợp nhìn kém, thị lực giảm thì khi ra nắng hoặc gặp đèn pha ô tô, xe máy chiếu vào mắt bị lóa. Khi đi ngoài đường nên đeo kính râm, nhất là trong những ngày thời tiết nắng gắt. Ánh sáng tia cực tím từ mặt trời góp phần vào sự phát triển của đục thủy tinh thể.
Các chuyên gia nhãn khoa cho rằng, việc điều trị bệnh đục thủy tinh thể phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, người bệnh thị lực bị giảm ít hay nhiều. Nếu phát hiện sớm, người bệnh không phải phẫu thuật. Ngoài việc dùng thuốc tăng cường chuyển hóa, nuôi dưỡng thủy tinh thể và kết hợp thay đổi chế độ dinh dưỡng cũng giúp người bệnh cải thiện hơn. Các biện pháp này không làm tiêu được các chấm đục thủy tinh thể nhưng giúp không làm tăng mức độ đục. Sau đó người bệnh được cải thiện thị lực bằng cách đeo kính thuốc có độ tụ phù hợp, bố trí đầy đủ ánh sáng hơn khi làm việc…
Với trường hợp nặng, người bệnh bị giảm thị lực nhiều, ảnh hưởng cuộc sống nhiều sẽ thực hiện phẫu thuật thay bằng thủy tinh thể nhân tạo. Hiện có nhiều loại thủy tinh thể nhân tạo như thủy tinh thể đơn tiêu cự, thủy tinh thể đa tiêu cự. Sau khi thăm khám kỹ toàn thân và mắt bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.