Bệnh lạ: Trở thành thiên tài vì mắc bệnh hiếm nhất thế giới
Chỉ với một lần nhìn duy nhất, họa sỹ đường phố tài năng ấy có thể vẽ lại y hệt từng chi tiết về khung cảnh, sự vật không sai một ly.
Khi là một đứa trẻ, Stephen Wiltshire bị câm và không hề giao tiếp với mọi người xung quanh, điều đó khiến bố mẹ của anh lo lắng.
Dù có chữa trị nhiều đến đâu thì tình trạng của anh cũng không cải thiện.
Khi 3 tuổi, anh được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, Stephen Wiltshire không muốn ở chỗ đông người, cậu bé cô lập bản thân trong phòng kín.
Trong những năm tháng ấu thơ, Stephen Wiltshire sống hoàn toàn trong thế giới của riêng mình và không cần đến ngôn ngữ.
Thay vì chìm đắm trong nỗi bất hạnh không thể giao tiếp bằng lời, anh ấy đã tìm ra một cách khác để liên hệ với thế giới bên ngoài và làm mạnh kĩ năng ấy.
Stephen Wiltshire bắt đầu tìm hiểu và quan sát mọi thứ, và anh nhận ra bản thân mình đang sở hữu một siêu năng lực không phải ai cũng có: Một trí nhớ siêu phàm.
Ngay từ khi còn nhỏ, Stephen Wiltshire đã có thể vẽ được các bức tranh với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Sau đó, Stephen Wiltshire bắt đầu vẽ các tòa nhà mà cậu bé nhìn thấy ở London. Chị gái thường đưa cậu đến chơi nhà bạn học ở tầng 14 của một tòa nhà, để cậu có thể ngắm được thành phố, và cũng chính từ đấy, bố cục và kiến trúc thành phố khiến cậu bé tự kỉ ám ảnh.
Khi cậu lên 8 tuổi, Thủ tướng Anh Edward Heath đã gọi cho Stephen Wiltshire để "đặt hàng" một bức vẽ Nhà thờ Salisbury.
3 năm sau, Stephen Wiltshire khiến thế giới kinh ngạc khi đã vẽ chính xác thành phố London đến từng tòa nhà, con đường chỉ sau 1 lần bay trên trực thăng.
Cậu bé chỉ cần năm ngày để hoàn thành bức vẽ dài 3,6m với bút, mực và bút chì, tái hiện chính xác đường chân trời dài 7km của London sau khi quan sát từ trực thăng dọc sông Thames.
Năm 1989, Stephen Wiltshire đến thăm Venice và vẽ bức tranh toàn cảnh đầu tiên của anh. Từ một cậu bé không thể nói chuyện, anh trở nên nổi tiếng về khả năng vẽ chi tiết các khung cảnh thành phố chỉ từ trí nhớ, với hàng trăm con phố, các tòa nhà, và các chi tiết nhỏ theo một tỷ lệ hoàn hảo.
Năm 2001, Stephen Wiltshire đã ngồi trên trực thăng và quan sát Mexico một lần, sau đó tuyệt tác kí họa thành phố chuẩn hơn bản đồ của họa sỹ Stephen Wiltshire được hình thành trên khổ giấy dài 4m.
Năm 2006, Hoàng tử Charles trao tặng Stephen Wiltshire huy chương danh dự của Hoàng gia Anh vì những đóng góp trong thế giới nghệ thuật, cùng năm đó, anh mở phòng trưng bày ở trung tâm London.
Vài năm sau, Stephen Wiltshire đã phác thảo mọi thứ bản thân quan sát được trong 20 phút ngồi trên máy bay trực thăng, ngắm toàn cảnh New York – trên bản vẽ còn dài hơn cả bản vẽ London trước đó với 19ft (gần 5,8m).
Tuy có trí nhớ kỳ lạ, nhưng khi ở Manhattan, anh vẫn phải rất cố gắng để tránh bị lạc và đã đi bộ sai đường mất 45 phút.
Stephen Wiltshire là một thiên tài – đó là điều không ai phủ nhận, nhưng đó lại là hệ quả của hội chứng bác học (hội chứng Savant Syndrome) và hội chứng Hyperthymesia – người có trí nhớ siêu phàm.
Đây cũng là bệnh hiếm gặp trên thế giới, những người mắc hội chứng Savant thường vượt trội hơn so với người khác ở một lĩnh vực nào đó. Điều đặc biệt ở Stephen Wiltshire là anh mắc cả 2 hội chứng cùng một lúc!
Có hơn 50% người mắc hội chứng Savant bị tự kỷ, một số khác nghiêm trọng hơn là bị tổn thương não.
Song bù lại, họ lại có các kỹ năng thiên bẩm về một lĩnh vực, nó xuất hiện đột ngột, không thể giải thích được và đôi khi cũng biến mất bất ngờ.
Hyperthymesia là hội chứng mà người bệnh có một trí nhớ siêu phàm. Họ có thể nhớ cụ thể và chi tiết những chuyện đã xảy ra vào bất kỳ ngày nào trong quá khứ.
Khác với người có trí nhớ tốt do thông minh thiên bẩm và khả năng rèn luyện trí nhớ, người mắc hội chứng Hyperthymesia có dung lượng bộ nhớ cực lớn, nó ngày một dày lên, không bao giờ "xóa" được kể cả niềm vui hay nỗi buồn.
Mặt khác, Hyperthymesia không giúp ích được nhiều trong việc học tập hay nghiên cứu, bởi nó chỉ ghi lại những sự kiện, thông tin xảy ra trong cuộc sống như một cuốn tự truyện. Hiện trên thế giới có khoảng 20 người mắc hội chứng kỳ lạ này.
Tiến sĩ thần kinh học, tâm lý học Oliver Sacks, người luôn theo sát sự nghiệp của Stephen Wiltshire, cho biết Stephen Wiltshire đã rất cố gắng để biến những căn bệnh của mình trở thành điểm mạnh.
Và nhờ các tác phẩm, người nghệ sỹ từng im lặng này, giờ đây có thể giao tiếp dễ dàng với hàng triệu người. Người thân của Stephen Wiltshire, Annette nói: "Nghệ thuật của Stephen nói một ngôn ngữ mà tất cả chúng ta có thể hiểu được".