Bệnh lao có thể phòng và điều trị

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài và liên tục.

Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao (báo cáo Global Tuberculosis Report 2022 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Điều trị bệnh lao ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 12.000 người mỗi năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Nước ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, giảm tỷ lệ người mắc bệnh lao xuống còn 0,001% (dân số 100 triệu người thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao/năm). Những kết quả phục hồi công tác phòng, chống lao tại các nước có gánh nặng bệnh lao cao sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể đến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao.

Bệnh nhân bị mắc bệnh lao nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn, giúp chúng ta ngăn chặn nguồn lây lan tại cộng đồng. Bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời là gánh nặng cho gia đình mà còn là nguồn lây đáng lo ngại cho cộng đồng. Khi có các triệu chứng như sau phải đến ngay cơ sở y tế để khám và xét nghiệm kịp thời: Ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần; gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều, người mệt mỏi, ra mồ hôi về đêm; đau ngực, khó thở, ho ra máu.

Để phòng, chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vaccine BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao. Mọi người khi ho kéo dài hơn 2 tuần, cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X-quang phổi để phát hiện bệnh lao. Người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị (với bệnh nhân xét nghiệm có vi khuẩn lao trong đờm). Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày. Quan tâm giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Cần phát hiện sớm người mắc bệnh lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.

Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi tổ chức và mỗi cá nhân hãy tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống bệnh lao. “Đã đến lúc toàn dân vì sự nghiệp chấm dứt bệnh lao cho mình và cộng đồng”.

ĐẶNG NGUYỄN TUYẾT NHI

(Trung tâm Y tế huyện Châu Thành)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/benh-lao-co-the-phong-va-dieu-tri-a374240.html