Bệnh nhân Cần Thơ có nhóm máu cực hiếm nhưng không hề hay biết
Ông M. chỉ biết mình mang nhóm máu O Rh(-) khi vào viện do đau nghiêm trọng ở ngực trái. Đây là nhóm máu hiếm, tỷ lệ 4-7 trên 10.000 người.
Ngày 19/11, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa cứu nam bệnh nhân mang nhóm máu cực hiếm O Rh(-).
Ông D.V.M. (56 tuổi, ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ) vào viện trong tình trạng đau ngực trái nhiều.
Qua thăm khám và các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán đau thắt ngực không ổn định, hẹp thân chung, hẹp nặng ba nhánh mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Đặc biệt, bệnh nhân có nhóm máu O Rh(-) mà không hề hay biết. 10.000 người mới có từ 4 tới 7 người mới có máu này. Ở châu Á cũng không có nhiều người giống ông M.
Các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật cầu nối chủ - vành, không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể, với vật liệu làm cầu nối là toàn bộ động mạch để cứu bệnh nhân.
Trước nhu cầu cần lượng máu hiếm Rh(-) để phẫu thuật, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp Bệnh viện Huyết học Truyền máu vận động ngân hàng máu sống và hiếm để cung cấp 2 đơn vị khối hồng cầu lắng, 2 khối huyết tương tương đông lạnh và 1 kít tiểu cầu 250ml gạn tách.
Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Việt Triều (Khoa Phẫu thuật tim) cùng ê-kíp thực hiện ca phẫu thuật, với sự hỗ trợ về chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 6 giờ, sử dụng phương pháp truyền máu hoàn hồi bằng hệ thống máy Cell saver.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, dự kiến xuất viện vào ngày mai.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên đi xét nghiệm để biết chính xác nhóm máu của mình. Khi biết mình mang nhóm máu hiếm nên thông báo cho bệnh viện, nhất là khi truyền máu và chăm sóc thai kỳ. Những người này nên tham gia câu lạc bộ người có máu hiếm để chia sẻ thông tin và hỗ trợ hiến máu khi bệnh nhân cần truyền máu.