Bệnh nhân COVID-19 không may qua đời, thi thể được xử lý thế nào?
Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 không may qua đời, thi thể của họ sẽ được xử lý dựa trên một số nguyên tắc đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm.
Theo các văn bản của Bộ Y tế, COVID-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Vì vậy, thi thể của bệnh nhân phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong vòng 24 giờ.
Đối với các bệnh nhân COVID-19 không may qua đời, thi thể của họ sẽ được xử lý dựa trên một số nguyên tắc đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm.
Phải được diệt khuẩn và mai táng trong 24 giờ
Theo Điều 18 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người mắc hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi tử vong phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong vòng 24 giờ.
Quy định này đồng nhất với hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, Bộ cũng nêu rõ thi hài bệnh nhân COVID-19 phải được hỏa táng, chỉ mai táng khi không thể hỏa táng, đồng thời khâm liệm càng sớm càng tốt.
Đối với người mắc COVID-19 mất tại cơ sở khám chữa bệnh, quá trình khâm liệm tuân theo quy trình đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm. Thực hiện khâm liệm càng sớm càng tốt. Việc khâm liệm phải được thực hiện tại nhà tang lễ bệnh viện, hạn chế tối đa số người tham gia khâm liệm.
Theo văn bản của Bộ Y tế (Quyết định 5188), việc khâm liệm cho bệnh nhân COVID-19 phải được thực hiện ở nhà tang lễ của bệnh viện, hạn chế người tham gia. Những người tham gia khâm liệm phải thực hiện phòng hộ cá nhân và rửa sạch tay bằng xà phòng.
Số lượng người tới viếng bệnh nhân COVID-19 qua đời cũng bị hạn chế. Những người vào viếng phải đeo khẩu trang, không chạm vào quan tài và đảm bảo vệ sinh tay bằng dung dịch cồn sau đó.
Thi hài của bệnh nhân phải được vận chuyển thẳng tới nơi hỏa táng hoặc mai táng (trong trường hợp bắt buộc) theo kế hoạch đã thống nhất với Trung tâm kiểm soát bệnh tật của địa phương. Việc vận chuyển sẽ được thực hiện bằng ô tô chuyên dụng. Người nhà không được lên xe.
Đối với người chết do mắc COVID-19 tại cộng đồng, người nhà bệnh nhân cần gọi điện thông báo cho chính quyền, cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ xử lý.
Bên cạnh đó, gia đình cũng cần chủ động hạn chế người không có nhiệm vụ vào khu vực có bệnh nhân COVID-19 tử vong, trừ nhân viên y tế, người tham gia xử lý thi hài. Quy trình xử lý cũng phải được đảm bảo phòng chống lây nhiễm.
Được miễn phí bảo quản, mai táng và di chuyển
Với các trường hợp áp dụng biện pháp cách ly y tế và tử vong sẽ được miễn phí bảo quản, quàn ướp, mai táng và di chuyển. Cơ sở cách ly y tế sẽ có trách nhiệm bảo đảm kinh phí nhằm thực hiện đầy đủ chế độ cho người qua đời do mắc COVID-19.
Cũng theo quy định chính sách hỗ trợ đối với đối tượng bảo trợ xã hội của Chính phủ (Nghị định 20/2021/NĐ-CP), hộ gia đình có người chết do dịch bệnh sẽ được xem xét hỗ trợ chi phí mai táng ở mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội.
Theo hướng dẫn quản lý chất thải y tế và xử lý thi hài bệnh nhân qua đời do mắc COVID-19, Công ty TNHH Môi trường Đô thị sẽ chịu trách nhiệm thực hiện hỏa táng, mai táng thi hài.
Được xử lý 6 bước nghiêm ngặt
Tại họp báo cung cấp thông tin dịch bệnh COVID-19 TP.HCM diễn ra chiều 5/8, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TNMT TP.HCM cho biết, căn cứ hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM, ca tử vong do COVID-19 đang được xử lý theo quy trình 6 bước nghiêm ngặt, thi thể người quá cố được hỏa táng tại cơ sở hỏa táng Bình Hưng Hòa.
Sau khi hỏa táng, tro cốt sẽ được lưu trữ tại điểm lưu trữ của Công ty Môi trường đô thị, dán đầy đủ thông tin của người mất, ngày giờ mất. Những người mất còn thân nhân thì sẽ trao tro cốt để người thân mang về thờ tự.
Đối với gia đình phải thực hiện cách ly, tro cốt sẽ được giữ lại đợi người dân hoàn thành cách ly đến nhận về. Nếu người mất thuộc diện hộ nghèo, TP.HCM sẽ chi ngân sách hỗ trợ toàn bộ chi phí ở các khâu hậu sự.
Cũng tại họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, việc hỗ trợ hỏa táng, lưu giữ tro cốt và hỗ trợ cho gia đình trong chế độ chính sách đều có quy định về hỗ trợ cho người nghèo, người chết do COVID-19.
“Những trường hợp đã tử vong nhưng thân nhân chưa đến nhận được vì đang bị phong tỏa hoặc các nguyên nhân khác, thành phố ý thức đây là việc tâm linh rất thiêng liêng nên sẽ thực hiện chu đáo nhất để gửi về cho gia đình trong thời gian sớm nhất có thể”, ông Mãi nói.
Lãnh đạo thành phố cam kết những gia đình khó khăn sẽ được hỗ trợ bằng nguồn ngân sách, bằng vận động xã hội để đảm bảo được chi phí mai táng kể cả người quá cố chết do COVID-19 hay do các nguyên nhân khác.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu chính quyền cơ sở kịp thời nắm thông tin, nơi nào cần hỗ trợ nếu có thể thì vận động cộng đồng giúp đỡ ngay. Trường hợp chưa có người giúp thì gửi lên phường, xã, thị trấn để tập hợp nếu vượt sức thì gửi lên quận, huyện hoặc gửi lên thành phố. Đảm bảo tất cả những người khó khăn cần giúp sẽ được giúp đỡ.