'Bệnh nhân tử tế dạy cho thầy thuốc bài học về tình yêu thương con người...'
Kiến nghị được trang bị khiên cho thầy thuốc ở phòng cấp cứu, cấp áo giáp cho bộ phận bảo vệ mặc để khống chế người dùng hung khí tấn công bác sĩ, thầy thuốc đi tập võ...là những đề nghị sau các vụ ồn ào hành hung nhân viên y tế. Đó chưa phải là giải pháp căn cơ bảo vệ thầy thuốc.
Tại phiên thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhiều tiếng nói của các vị đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cần có quy định rõ về các hành vi hành hung nhân viên y tế và phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho rằng, trong sửa đổi Luật cần đặc biệt chú ý các vấn nạn nổi lên như: tình trạng người nhà đi cùng bệnh nhân, hoặc bệnh nhân có hành vi bạo hành nhân viên y tế tại các bệnh viện, khiến không ít y, bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế bị xâm hại danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và thậm chí cả tính mạng...
Đại biểu Thanh nêu ý kiến, tại Điều 36 và Điều 94 của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm các biện pháp như: quy định về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn của đội ngũ nhân viên y tế; có cơ chế hỗ trợ tài chính để thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp làm nhiệm vụ bảo vệ tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, có quy định riêng về xử lý các hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xảy ra trong khuôn viên cơ sở y tế, trong khuôn viên của bệnh viện; cần có chế tài mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là các đối tượng có hành vi bạo hành nhân viên y tế...
Những ẩn ức, khó khăn trong khi thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh của nhân viên y tế đã được lên tiếng tại nghị trường Quốc hội và chắc chắn sẽ được Quốc hội ghi nhận và bổ sung để hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Ồn ào sau mỗi vụ hành hung thầy thuốc, dư luận xã hội "nóng" lên ít ngày rồi mọi việc lắng xuống, chỉ còn những dư âm đọng lại, người thầy thuốc âm thầm phải chịu đựng nỗi đau về thể xác, tổn thất về tinh thần đi theo suốt cuộc đời của họ.
Thầy thuốc bị người nhà bệnh nhân hành hung tại cơ sở y tế không phải chuyện hãn hữu và hậu quả không chỉ là những cái túm cổ, những cú đấm, thậm chí đã có những bác sĩ thiệt mạng vì một phút mất kiểm soát của người nhà bệnh nhân.
Sau các vụ hành hung nhân viên y tế, ngành y tế và đội ngũ thầy thuốc đều mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, vụ người nhà bệnh nhân này hành hung thầy thuốc chưa lắng xuống, lại tiếp đến vụ hành hung nhân viên y tế khác. Và tương lai sẽ còn có thể xảy ra các vụ hành hung thầy thuốc nếu chúng ta không có biện pháp xử lý mạnh tay, e rằng hành hung thầy thuốc dần trở thành phổ biến.
Và điều này thật đáng sợ! Tổn hại về sức khỏe, tinh thần của thầy thuốc họ đã, đang phải chịu đựng còn sức khỏe của những người bệnh do không được cấp cứu kịp thời, bỏ lỡ mất thời gian vàng. Ai phải chịu trách nhiệm?
Dường như chúng ta đang coi các vụ hành hung nhân viên y tế tại bệnh viện giống như vụ gây rối trật tự công cộng giản đơn. Chúng ta cần phải coi thầy thuốc đang thực hiện khám, chữa bệnh, tham gia chống dịch là đang thi hành công vụ.
Việc hành hung thầy thuốc, kể cả bằng lời nói cũng cần phải coi là chống người thi hành công vụ. Chỉ khi nào chúng ta bảo vệ thầy thuốc bằng luật pháp, hành hung thầy thuốc đang thực hiện khám, chữa bệnh, tham gia chống dịch là chống người thi hành công vụ, chúng ta mới mong chấm dứt hành vi xấu xa và đê hèn này.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật tiến tới có thể xây dựng Luật hành nghề cho thầy thuốc để giải quyết được gốc của những vấn đề trên.
Để kết thúc loạt bài Làm gì để ngăn chặn hành hung nhân viên y tế? Tôi xin mượn lời tâm sự của BS Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, trong cuốn sách Để yên cho bác sĩ "hiền" do chính anh là tác giả, như sau: Những bệnh nhân tử tế dạy cho mình bài học về tình yêu thương con người, những bệnh nhân củ chuối dạy cho mình bài học về chữ nhẫn. Cuộc sống có bạc bẽo, mình vẫn hạnh phúc thực hiện lý tưởng của riêng mình.
Người thầy thuốc không muốn được ví như những anh hùng, họ đang rất cần an toàn để được làm nghề và cống hiến cho đời. Thầy thuốc tiếp tục làm việc chuyên nghiệp và tận tâm, vì đó là nghề họ đã chọn.