Bệnh nhi 4 tháng tuổi chảy máu não do hội chứng rung lắc
Nguồn tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa ngày 8/2 cho biết, các y bác sĩ Khoa Nhi bệnh viện này vừa cứu sống một bệnh nhi 4 tháng tuổi bị chảy máu não do hội chứng rung lắc.
Hai ngày trước khi nhập viện, bệnh nhi sinh ngày 22/9/2022, trú ở phường Phương Sài, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được mẹ đưa đi chơi, chuyền tay qua nhiều người ẳm xốc nách và rung lắc. Đến hôm sau, đứa trẻ có triệu chứng ngủ li bì, bú kém, không sốt, sau đó ngủ li bì nhiều hơn, kèm theo thở nấc nên được gia đình đưa vào viện.
Khi nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng hôn mê glasgow, thở nấc, tím môi, nhịp tim rõ đều, thóp trước phồng, bụng mềm, không tiêu chảy, không sốt. Kiểm tra cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi xuất huyết não dưới nhện, tụ máu dưới màng cứng, nghi do hội chứng rung lắc. Bệnh nhi được điều trị hồi sức tích cực tại Khoa Nhi với phác đồ thở máy, điều chỉnh rối loạn thông khí và rối loạn điện giải, truyền máu, cắt cơn co giật, nuôi dưỡng tĩnh mạch. Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhi tỉnh táo, bú tốt, cai máy thở rút ống nội khí quản, dấu hiệu sinh tồn ổn định hoàn toàn.
Theo các bác sĩ Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, hội chứng rung lắc là một dạng chấn thương đầu và não nghiêm trọng, xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh. Hội chứng này thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh đến 8 tháng tuổi, trong một số trường hợp trẻ dưới 5 tuổi vẫn có thể ảnh hưởng. Nguyên nhân là do việc rung lắc mạnh khi đưa võng, lắc nôi cho trẻ ngủ, hoặc khi trẻ đang nằm được bế thốc dậy, tung cao trẻ, bồng trẻ đưa lên xuống nhanh, nhấc bổng trẻ lên cao…đều có thể gây nguy hại đến trẻ. Có thể so sánh hội chứng rung lắc ở trẻ em tương tự người lớn bị chấn thương sọ não do tai nạn.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc hội chứng rung lắc, phụ huynh không nên vận chuyển trẻ bằng các phương tiện thông thường mà nên gọi xe cấp cứu, không được bế xốc trẻ lên, hay lắc thêm làm cho trẻ tỉnh lại, không cho trẻ bú hoặc ăn. Nếu trẻ ngừng thở phải hô hấp nhân tạo, trường hợp chấn thương cổ phải cổ định cổ và tránh xoay trở trẻ. Khi có dấu hiệu nôn ói nhưng không chấn thương cổ thì phải xoay nhẹ đầu về một bên để tránh sắc và ngừng thở…