Bệnh nhi 6 tuổi mang trong mình khối u ác tính nặng 2kg
Sau gần 3 giờ căng thẳng, khối u chèn ép nhiều bộ phận trong ổ bụng với đường kính 20cm, nặng khoảng 2kg của bé gái 6 tuổi ở Nghệ An đã được loại bỏ toàn bộ. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã bình phục, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Ngày 27/6, các bác sĩ khoa Ngoại bụng 2, Bệnh viện K vừa trải qua một cuộc phẫu thuật khó khăn, cắt bỏ khối u thận nặng tới 2 kg cho bệnh nhi nữ Vũ Thị Mai H. (quê Nghệ An) mới 6 tuổi.
Cụ thể, bệnh nhi nhập viện với chẩn đoán ban đầu là u sau phúc mạc với biểu hiện ban đầu là bụng chướng, phình to. Sau khi thăm khám và chụp chiếu, bác sĩ phát hiện bệnh nhi có khối u lớn khoảng 20 cm, chèn ép nhiều bộ phận gây đau tức, ảnh hưởng lớn đến hô hấp cũng như sinh hoạt của bệnh nhi H.
Xác định đây là ca bệnh khó, các bác sĩ khoa Ngoại Bụng 2 và khoa Nhi đã hội chẩn, dựa trên triệu chứng lâm sàng, yếu tố dịch tễ, phim chụp cắt lớp vi tính, mô bệnh học và đặc biệt là kết quả hóa mô miễn dịch, bệnh nhi được chẩn đoán mắc u nguyên bào thận trái (u Wilm). Các bác sĩ đã hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị sử dụng hóa chất bổ trợ trước mổ với phác đồ SIOP và sau đó tiến hành phẫu thuật.
Theo Vietnamnet, bác sĩ Đoàn Trọng Tú, Trưởng khoa Ngoại bụng 2 cho biết, u Wilms là khối u ác tính hay gặp nhất trong số các khối u nguyên phát của thận ở trẻ em. Thông thường loại khối u này đáp ứng tốt với điều trị hóa chất. Tuy nhiên, với bệnh nhi này, khối u chỉ đáp ứng một phần nên kích thước khối u giảm rất ít, phần trung tâm u bị hoại tử nên phẫu thuật là phương pháp tối ưu nhất.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã gặp nhiều khó khăn như gây mê hồi sức cho bệnh nhi nhỏ tuổi, khối u lớn làm thay đổi vị trí giải phẫu của các tạng trong bụng, đẩy cơ hoành lên cao, ảnh hưởng đến hô hấp tuần hoàn...
Các bác sĩ cho biết, mục tiêu phẫu thuật phải triệt căn nhưng phải bảo tồn tối đa các cơ quan xung quanh, đảm bảo cho sự phát triển sinh học của bệnh nhi sau này.
Sau gần 3 giờ phẫu thuật căng thẳng, khối u đã được loại bỏ toàn bộ với đường kính 20 cm, nặng khoảng 2 kg. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã bình phục, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Trả lời trên báo Lao Động, bác sĩ Hoàng Mạnh Thắng, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 2 khuyến cáo: Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn tại Bệnh viện K. Trong đó, có những ca bệnh nhỏ tuổi nhưng khi đến khám bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, thậm chí di căn nhiều bộ phận trong cơ thể.
Các gia đình, đặc biệt là phụ huynh có con nhỏ, cần thường xuyên quan tâm, theo dõi những biểu hiện bất thường của con. Tất cả những triệu chứng thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua như biếng ăn, khó thở, đau tức ngực, hay nôn, trớ... có thể cảnh báo những bệnh lý thông thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu một số bệnh lý nghiêm trọng ở trẻ. Khi đó, các gia đình cần đưa con em thăm khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh hệ quả đáng tiếc vì thăm khám muộn.
Quốc Tiệp (tổng hợp)