Bệnh Sa sút trí tuệ cần được chẩn đoán, điều trị sớm
Bệnh Sa sút trí tuệ (SSTT) là một nhóm các rối loạn nhận thức đặc trưng bởi giảm trí nhớ, dù SSTT thường gặp ở người cao tuổi nhưng không phải là một quá trình lão hóa bình thường mà là một bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
Ngày sa sút trí tuệ thế giới 21/09/2019, Bệnh viện ĐHYD TPHCM tổ chức chương trình “Hưởng ứng Ngày Sa sút trí tuệ/Azheimer thế giới”. Nhằm tư vấn phòng ngừa và điều trị bệnh SSTT, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Trưởng Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện ĐHYD TPHCM,TS. Bác sỹ, Thân Hà Ngọc Thể cho biết theo thống kê ở Mỹ, có khoảng 5% người trên 65 tuổi mắc SSTT. Tỉ lệ mắc SSTT tăng gấp đôi sau 5 năm. Sau 85 tuổi, tỉ lệ SSTT là 40-50%. Tại Việt Nam, thống kê của Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức cho thấy, có khoảng 500.000 người cao tuổi mắc SSTT, chiếm khoảng 4,8-5%.
Năm 2016, nghiên cứu tại Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện ĐHYD TPHCM, cho thấy trong tổng số 230 người được khảo sát, có 109 người (chiếm 47,4%) bị suy giảm nhận thức, 62 người bị SSTT (chiếm 27%) và 47 người bị suy giảm nhận thức giai đoạn nhẹ (chiếm 20,4%). Trong đó, người bệnh SSTT thường nhập viện khi đã ở giai đoạn nặng của bệnh, có khi nằm liệt giường kèm nhiều biến chứng như loét tì đè, viêm phổi hít…
“Nguyên nhân gây bệnh SSTT bao gồm di truyền, ảnh hưởng từ các bệnh lý như bệnh alzheimer, đột quỵ não, parkinson… và lạm dụng thuốc trong thời gian dài, đặc biệt là nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm…
Bệnh thường xuất hiện ở đối tượng người cao tuổi nhưng thường hay bị bỏ sót, nếu có phát hiện thì thường là khi đã bước vào giai đoạn trung bình - nặng. Hiện có tới 75% trường hợp bệnh diễn tiến âm thầm khá lâu trước khi được phát hiện. Do đó, việc nhận biết và phòng tránh những nguyên nhân gây bệnh là điều rất quan trọng, giúp giảm những ảnh hưởng xấu của bệnh gây ra” - TS BS. Thân Hà Ngọc Thể, nói.
Gần đây, Bệnh viện ĐHYD TPHCM tiếp nhận điều trị cho bà N.T.N, (84 tuổi, ngụ Tiền Giang) nhập viện vì cơ thể suy kiệt. Bà N. rất hay quên, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và thường không dám ra ngoài một mình vì sợ bị ám hại. Bà N. ăn kém dần, không biết cách nhai thức ăn, không cảm giác đói dẫn đến tình trạng suy kiệt và phải nhập viện cấp cứu.
Tại Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ, các bác sĩ chẩn đoán bà N. bị bệnh SSTT giai đoạn trung bình và tiến hành điều trị kháng sinh đủ liều, tập các bài tập nhận thức, vận động tại Bệnh viện. Bên cạnh đó, người nhà người bệnh cũng được hướng dẫn cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh. Sau 10 ngày, người bệnh được xuất viện, tiếp tục các bài tập hỗ trợ tại nhà.
Bác sỹ C.K.I Trịnh Thị Bích Hà ,khoa lão –chăm sóc giảm nhẹ đang thăm khám cho người bệnh -ảnh : D/T
TS BS. Thân Hà Ngọc Thể cho biết, bên cạnh việc sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng nhận thức, rối loạn hành vi tâm thần thì việc chăm sóc người bệnh đúng cách, tập luyện chức năng nhận thức cũng góp phần quan trọng trong việc khôi phục nhận thức, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Ngoài ra, cần phải chú ý điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, parkinson… khi điều trị cho người bệnh SSTT.
“Tình trạng SSTT có thể được cải thiện nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, do đó cần nâng cao sự hiểu biết cũng như cách phòng ngừa SSTT trong cộng đồng. Đối với người cao tuổi, nên ăn uống cân bằng, đủ chất, tránh những thực phẩm chứa nhiều mỡ, đường và muối; tăng cường luyện tập thể thao, tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội; luôn sống vui vẻ, lạc quan; chơi các trò chơi trí tuệ cùng con cháu: chơi cờ, chơi game… Bên cạnh đó, nên hạn chế các chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá… và điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, parkinson, phòng ngừa đột quỵ…” - TS BS. Thân Hà Ngọc Thể, khuyến cáo.