Bệnh sởi diễn biến phức tạp

Theo Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, Khánh Hòa ghi nhận 18 bệnh truyền nhiễm, trong đó bệnh sởi có số ca mắc tăng cao. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã ghi nhận nhiều ca mắc sởi là người lớn tuổi.

Một bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Một bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Số ca mắc tăng cao

Mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh tiếp nhận từ 10 - 12 trường hợp dương tính với bệnh sởi. Số ca mắc sởi vào bệnh viện điều trị rải rác bắt đầu từ tháng 8, đến tháng 10 số ca mắc sởi tăng nhanh, cao điểm có ngày bệnh viện tiếp nhận gần 20 ca, có một số trường hợp trẻ dưới 1 tuổi bị sởi nặng phải thở máy. Ngoài trẻ nhỏ, bệnh viện cũng đang điều trị cho rất nhiều ca mắc sởi là người lớn tuổi; hiện hơn 60% số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh được điều trị tại đây.

Bà Nguyễn Thị Lan (50 tuổi, TP. Nha Trang) điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh được 3 ngày. Bà Lan cho biết, lúc đầu bà bị mệt, sốt, cứ tưởng bệnh cảm thông thường nên mua thuốc về uống. Đến khi các nốt mẩn đỏ nổi đầy người, bà vào bệnh viện khám thì biết mình bị sởi. Chăm con 5 tuổi đang điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, bà Nguyễn Thị Liên (TP. Nha Trang) cho biết: “Con tôi mới tiêm 1 mũi vắc xin phòng sởi. Năm 2022, do dịch Covid-19, tôi bận công việc nên quên không đưa bé đi tiêm lại mũi thứ 2”.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi mắc sởi tăng cao hơn 52,9 lần, số ca dương tính với sởi cao hơn 111 lần. Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi.

Điều đáng nói, năm 2023, trên địa bàn tỉnh không có ca mắc sởi. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 500 ca nghi sởi, trong đó có 159 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi. Trong đó, nhóm tuổi từ 9 tháng đến 5 tuổi có tỷ lệ mắc nhiều nhất, chiếm tới 43% trong tổng số ca mắc. Các ca sởi ghi nhận rải rác ở nhiều huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, TP. Nha Trang có số ca mắc cao nhất với gần 70 ca, huyện Khánh Sơn và Trường Sa chưa ghi nhận ca mắc sởi; hầu hết các trường hợp mắc sởi đều chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin chưa đầy đủ.

Sẽ tổ chức tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ

Hiện nay, khó khăn nhất trong chẩn đoán sởi là các dấu hiệu bệnh khá giống với nhiều bệnh khác. Do vậy, nhiều người dân chủ quan hoặc lầm tưởng với các bệnh khác nên tự ý điều trị tại nhà. Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi khi nhập viện đã trong tình trạng khá nặng như: Sốt cao, ho, mắt đỏ, mí mắt sưng phù nề, hạc bạch huyết sưng to…

Bác sĩ Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “So với cả nước, tình hình dịch sởi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Các ổ dịch sởi đều được ngành Y tế tỉnh xử lý, giám sát chặt. Ngành Y tế tỉnh đã chủ động dự trù vắc xin sởi gửi cho Bộ Y tế và Viện Pasteur Nha Trang. Khi nào có vắc xin, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị triển khai tiêm cho trẻ trong thời gian sớm nhất”. Được biết, hằng năm tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ trong độ tuổi thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng trên cả nước nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng đều đạt trên 90%. Tuy nhiên, năm 2023, do nhiều nguyên nhân, tình hình cung ứng vắc xin trên cả nước bị gián đoạn nên tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi ở quy mô cấp quốc gia và cấp tỉnh chưa đạt. Cùng với đó, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát cũng gây nhiều trở lại cho việc người dân đưa con em đi tiêm ngừa. Do vậy, các chuyên gia y tế cảnh báo, năm 2024 là năm có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4 hoặc 5 năm/lần (năm 2014 và năm 2019 cả nước ghi nhận số ca mắc sởi tăng đáng kể).

Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế tỉnh đã khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh sởi; đề xuất với Bộ Y tế số lượng vắc xin sởi để thực hiện các chương trình tiêm bù, tiêm vét cho trẻ không được tiêm vào năm 2023 và các năm trước đó còn thiếu, dự kiến hơn 1.200 liều vắc xin sởi và hơn 3.400 liều vắc xin sởi - rubella. Đồng thời, ngành Y tế tỉnh cũng khuyến cáo người dân nên chủ động theo dõi lịch tiêm chủng mở rộng tại các địa phương để thực hiện tiêm chủng đầy đủ theo lịch cho trẻ; tăng cường chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ trong thời tiết giao mùa, thời điểm được xem là thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.

THẢO LY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202412/benh-soi-dien-bien-phuc-tap-6c0573a/