Bệnh sởi 'tái xuất'

Cả 3 bệnh viện nhi của TPHCM đều ghi nhận trẻ nhỏ mắc bệnh sởi phải nhập viện, nhiều trường hợp biến chứng nặng. Địa bàn TPHCM xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng. Ngành y tế đang nỗ lực hết sức nhưng nguy cơ dịch sởi lây lan là rất cao.

Nguy kịch vì bệnh sởi

Một tuần qua, chị Nguyễn Kim Loan (30 tuổi Bình Chánh) chăm sóc con nhỏ bị bệnh sởi tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Bệnh nhi 7 tháng tuổi có tiền căn viêm phổi nhiều lần, biến chứng nặng phải cấp cứu. Chị Kim Loan cho biết bé trai chưa đến tuổi tiêm ngừa sởi và cũng không xác định được nguồn lây bệnh. Cùng phòng cách ly là 2 bệnh nhi gần 9 tháng tuổi và 4 tuổi vừa qua giai đoạn nguy hiểm. Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, nơi đây ghi nhận 4 ca sởi với biến chứng nặng trên trẻ có bệnh nền teo đường mật bẩm sinh, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu.

“Chúng tôi rất lo ngại vì các bệnh nhi chưa được tiêm ngừa vaccine sởi do chưa đến tuổi hoặc phụ huynh chưa cho đi tiêm. Những đối tượng này rất dễ gặp nguy hiểm khi bị sởi tấn công”, BS Dư Tuấn Quy nhận định.

 BS Dư Tuấn Quy thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh sởi bị biến chứng nặng

BS Dư Tuấn Quy thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh sởi bị biến chứng nặng

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ghi nhận 14 ca sởi trong những tuần qua với độ tuổi từ 5 tháng đến 5 tuổi, phần đông là bệnh nhân từ các tỉnh thành khác chuyển lên. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, tháng 6 ghi nhận 2 trường hợp nhập viện do bệnh sởi (1 ca đã xuất viện). Trong khi đó, tính đến ngày 3-6, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn đã xuất hiện 4 ca sởi trong cộng đồng. Các chuyên gia y tế lo ngại nguy cơ sởi sẽ lây lan rộng nếu không quyết liệt tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ nhỏ. Đáng chú ý, năm 2024 cũng là thời điểm của chu kỳ dịch sởi 5 năm/lần, diễn tiến hiện tại càng không thể chủ quan.

Khn trương “vá” l hng tiêm chng

Tính đến hết tháng 4-2024, tỷ lệ tiêm đủ hai mũi sởi đối với trẻ trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn TPHCM chưa đạt 95% như chỉ tiêu đề ra để có thể tạo miễn dịch cộng đồng. Nguyên nhân là do tình trạng gián đoạn cung ứng nhiều loại vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng trong các năm 2022-2023. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc chủng ngừa của trẻ. Để "vá" lỗ hổng tiêm chủng, từ năm 2023, TPHCM đã bắt đầu triển khai tiêm bù mũi cho trẻ ngay khi vaccine được cung ứng và tiêm đồng loạt ở tất cả trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm tăng độ bao phủ vaccine, chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện nay ngành y tế đang tích cực phối hợp với ngành giáo dục chủ động rà soát tình trạng tiêm chủng của trẻ, tập trung vào các nhóm trẻ gia đình vì đây là đối tượng có sự di biến động lớn. Từ đó, không bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng, hạn chế dịch bệnh lây lan.

 Trẻ 7 tháng tuổi cấp cứu vì bệnh sởi

Trẻ 7 tháng tuổi cấp cứu vì bệnh sởi

BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đặc biệt lưu ý phụ huynh có con mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, tiểu đường, bệnh huyết học… cần đưa trẻ đến bệnh viện để chủng ngừa kịp thời. Đây là nhóm nguy hiểm nếu mắc sởi. Ngoài ra, trẻ dưới 9 tháng tuổi có thể lây sởi từ người lớn trong gia đình mang mầm bệnh. Đến nay, sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm não...

Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại cần đề phòng tình huống bệnh sởi lây nhiễm chéo trong các bệnh viện, tạo ra gánh nặng điều trị rất lớn. Trẻ cần được tiêm chủng miễn phí hai mũi vaccine sởi vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế. Bên cạnh đó, người dân cần phòng bệnh bằng biện pháp đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ môi trường thông thoáng, không tiếp xúc với người nghi mắc bệnh.

GIAO LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/benh-soi-tai-xuat-post743958.html