Bệnh sởi và những biến chứng nguy hiểm
Thời gian gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành khu vực phía Nam nói chung đang ghi nhận sự quay trở lại của bệnh sởi. Bệnh này phổ biến nhất ở trẻ em, nhưng mọi đối tượng vẫn có thể mắc. Nếu không kiểm soát kịp thời, dịch sởi bùng phát có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân và tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKII Trần Thị Thùy Linh - Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết bệnh sởi là gì và triệu chứng của bệnh sởi? Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận bao nhiêu ca mắc bệnh?
Bác sĩ CKII Trần Thị Thùy Linh: Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra với các triệu chứng: Sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, không chịu được ánh sáng. Những nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh, trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má (những nốt này có tên là đốm Koplik). Người mọc ra những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Sản nhi chưa ghi nhận ca bệnh nào mắc bệnh sởi.
Phóng viên: Xin bác sĩ nói rõ hơn về mức độ nguy hiểm, đường lây truyền và những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi?
Bác sĩ CKII Trần Thị Thùy Linh: Về mức độ nguy hiểm: Bệnh sởi không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính như sốt và phát ban mà còn có thể đẫn dến những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể như: Mắt, tai mũi họng, phế quản phổi, tiêu hóa...
Người lớn hiếm khi mắc bệnh sởi, tuy nhiên, nếu mắc bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, liệt, động kinh... Người lớn mắc sởi do chưa tiêm phòng hoặc chưa tiếp xúc với virus sởi khi còn bé. Ngoài ra, quan niệm “chỉ trẻ em mới mắc bệnh sởi” khiến nhiều người lớn chủ quan, lơ là trong việc phòng bệnh, không có biện pháp cách ly, chăm sóc dinh dưỡng và vệ sinh thân thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, biến chứng, lây lan trong cộng đồng. Người trưởng thành mắc bệnh sởi có thể liệt tứ chi, rối loạn cơ tròn khi biến chứng viêm màng não hoặc viêm tủy. Ngoài ra, bệnh sởi còn tăng nguy cơ biến chứng viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm kết – giác dẫn tới loét giác mạc, mù lòa. Phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi tăng nguy cơ sinh non, sảy thai...
Sau khi hết sốt, nhiều bệnh nhân tưởng bệnh đã khỏi hẳn. Tuy nhiên, nếu không chăm sóc tốt, bệnh nhân có thể sốt cao trở lại gây đau đầu, co giật, thay đổi ý thức từ lú lẫn dẫn tới hôn mê. Bệnh sởi lưu hành rộng, mức độ lây lan nhanh qua đường hô hấp khiến bệnh dễ bùng phát triên diện rộng và tạo thành dịch. Cho đến nay, bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Về đường lây truyền: Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện... Lây gián tiếp ít gặp vì virus sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh.
Về biến chứng: Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở là trẻ em suy dinh dưỡng.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết về cách điều trị bệnh sởi?
Bác sĩ CKII Trần Thị Thùy Linh: Để điều trị bệnh sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc và nuôi dưỡng bằng cách: Hạ sốt (phương pháp vật lí, sử dụng thuốc hạ sốt thông thường); thuốc an thần, thuốc ho, long đờm; kháng sinh histamin (Dimedron, Pipolphen); sát trùng mũi họng (nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch Chloromycetin, Argyrol...). Các biện pháp hồi sức tùy theo triệu chứng của bệnh nhân: Hồi sức hô hấp khi có suy hô hấp, hồi sức tim mạch... Đồng thời, kết hợp với chế độ ăn uống tốt.
Kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm và dùng cho trẻ dưới 2 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Khi có biến chứng viêm thanh quản, viêm não, sởi ác tính thì dùng kháng sinh và corticoid.
Phóng viên: Ngành y tế đã có những hướng dẫn, khuyến cáo như thế nào để phòng, chống bệnh sởi một cách hiệu quả?
Bác sĩ CKII Trần Thị Thùy Linh: Để phòng, chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo: Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin Sởi - Rubella đầy đủ và đúng lịch. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/benh-soi-va-nhung-bien-chung-nguy-hiem-217398.htm