Bệnh tay chân miệng bùng phát ở TPHCM: Trường mầm non tăng cường bảo vệ trẻ

Theo Sở Y tế TPHCM, số ca bệnh tay chân miệng bắt đầu có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây.

Học sinh lớp Lá, Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức).

Học sinh lớp Lá, Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức).

Đối tượng dễ mắc bệnh thường tập trung ở trẻ mầm non.

Tăng cường phòng chống

Một tuần nay, chị Đoàn Trúc Hải (Quận 12) phải xin nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con trai 3 tuổi bị bệnh tay chân miệng. Bé đang học tại một trường mầm non tư thục ở TP Thủ Đức, chị Hải đã thông báo đến nhà trường tiến hành khử khuẩn phòng tránh lây lan thành dịch bệnh.

“Mấy ngày nay, bé bị nổi mụn nước trong miệng nên ăn uống khó khăn, ngủ cũng không ngon. Có con nhỏ đi học mầm non mắc bệnh là điều khó tránh khỏi, tôi tập trung bổ sung thực phẩm tăng cường sức đề kháng, mong bé hết bệnh nhanh, không để tiến triển nặng hơn”, chị Hải chia sẻ.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng gia tăng, các trường mầm non tại TPHCM cho biết, đã có kế hoạch triển khai nhiều biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của ngành y tế, đồng thời thông tin rộng rãi để phụ huynh hợp tác với nhà trường trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh, chủ đầu tư Trường Mầm non Thiên Ân 3 (TP Thủ Đức) cho biết, bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan nhanh thành dịch khi trẻ tiếp xúc với nhau hay do vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho trẻ chưa tốt... Do đó, nhà trường luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, chú trọng khâu ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho trẻ và phòng, chống dịch bệnh.

Đồ chơi, đồ dùng học tập trong từng lớp học cũng được các cô giáo lau, chùi thường xuyên. Cuối tuần, các lớp tiến hành tổng vệ sinh khử khuẩn, xây dựng môi trường sạch, đẹp cho mỗi lớp học và cả khuôn viên nhà trường.

“Khi phát hiện có trẻ bị bệnh, giáo viên sẽ tách trẻ ra, thông báo phụ huynh đưa con đi khám. Sau đó, trường sẽ vệ sinh, khử khuẩn lại toàn bộ phòng học, đồ chơi, đồ dùng học tập, tránh bệnh lây lan sang những bé khác”, bà Quỳnh nói.

Có sẵn các phương án và kinh nghiệm phòng chống bệnh tay chân miệng, bà Phạm Ngọc Quyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19 tháng 5 (Quận 12) thông tin, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên những kiến thức cơ bản về bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống.

Nhà trường chú trọng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch; không để trẻ đưa đồ chơi lên miệng; cho trẻ ăn chín, uống sôi...

Cô giáo thường xuyên theo dõi sức khỏe của các bé, khi thấy dấu hiệu sốt và xuất hiện nốt mụn nước nghi ngờ bệnh tay chân miệng phải báo cho gia đình để đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên phổ biến cách phòng, chống bệnh đến phụ huynh trước khi nhận và trả trẻ, để cha mẹ tiện theo dõi.

Học sinh lớp Chồi, Trường Mầm non Thiên Ân 3 (TP Thủ Đức).

Học sinh lớp Chồi, Trường Mầm non Thiên Ân 3 (TP Thủ Đức).

Gia tăng ca mắc

Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành Y tế và ngành Giáo dục thành phố phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các trường mầm non, nhóm trẻ. Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố giám sát hỗ trợ các trung tâm y tế quận huyện và TP Thủ Đức thực hiện hiệu quả hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học và trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, tổng số ca mắc ở 20 tỉnh phía Nam trong 19 tuần đầu năm 2024 là 13.495 ca, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 55% so với trung bình cùng kỳ 5 năm trước.

Số ca mắc những tuần gần đây của khu vực cũng đang gia tăng so với những tuần trước đó; đã có 1 ca tử vong. Hệ thống giám sát tác nhân gây dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) chưa phát hiện virus EV71 - tác nhân thường gây ra những vụ dịch lớn với nhiều ca bệnh nặng.

Theo Sở Y tế TPHCM, ngành Y tế thành phố luôn trong tư thế chủ động phòng chống dịch và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tay chân miệng có thể xảy ra.

Các hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát tác nhân gây bệnh tay chân miệng được duy trì thường xuyên nhằm cung cấp dữ liệu cho việc dự báo tình hình dịch bệnh. Các kịch bản phân tuyến điều trị ca bệnh triển khai từ năm 2023 vẫn tiếp tục duy trì tại các bệnh viện trên địa bàn.

Bệnh tay chân miệng do nhóm virus đường ruột (Enterovirus) gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện của bệnh có thể từ nhẹ (như nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, loét miệng) đến nặng (tổn thương não, tim) và có thể tử vong.

Dịch tay chân miệng có thể gặp quanh năm, bệnh có xu hướng tăng cao vào khoảng từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12 hàng năm. Hiện, chưa có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng tại Việt Nam.

Để phòng bệnh tay chân miệng, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo, người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch: Ăn sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch.

Cụ thể cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.

Trong 20 tuần đầu năm 2024, TPHCM có 4.471 ca mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, tăng 33% so với cùng kỳ 2023 và tương đương với số trung bình của 5 năm 2018 - 2022; số ca bệnh nặng (từ độ 2b trở lên) là 40 ca; không có ca tử vong. Về diễn tiến, trong 2 tuần qua (tuần 19 và tuần 20) số ca bệnh hàng tuần có dấu hiệu tăng nhanh hơn những tuần trước đó, tuy nhiên không ghi nhận ca bệnh nặng trong thời gian này.

Cẩm Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/benh-tay-chan-mieng-bung-phat-o-tphcm-truong-mam-non-tang-cuong-bao-ve-tre-post686067.html