Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng

Trong bối cảnh bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam, trong đó có khu vực phía Nam, đặc biệt sự xuất hiện của chủng virus EV71 gây nên các ca bệnh nặng, có biến chứng nguy hiểm thì vaccine được xem là giải pháp phòng bệnh hiệu quả.

Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo "Phát triển và ứng dụng vaccine EV71: Tăng cường đáp ứng y tế công cộng với bệnh tay chân miệng" do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/5.

Các nốt phát ban của bệnh nhi bị tay chân miệng. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN

Các nốt phát ban của bệnh nhi bị tay chân miệng. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN

Bác sĩ Phan Thị Ngọc Uyên, Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, có khả năng lây lan nhanh và có khả năng gây tử vong. Bệnh do nhóm virus đường ruột enterovirus gây ra, lưu hành quanh năm và diễn ra khắp toàn quốc nhưng khu vực phía Nam chiếm từ 60-80% số ca bệnh. Bệnh thường tăng vào tháng 4-6 và tháng 9-10 hằng năm. Từ đầu năm 2025 đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 14.600 ca mắc tay chân miệng, chưa có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ các năm trước, năm 2025 có sự gia tăng ca mắc tay chân miệng. Những năm qua, các chủng virus gây bệnh tay chân miệng xuất hiện song hành với nhau, tuy nhiên, nếu năm nào có sự xuất hiện của chủng EV71 thì số ca mắc nặng gia tăng.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, thực tế tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, trong số các ca bệnh nặng, có khoảng 70% là do chủng virus EV71 gây ra. Mỗi lần có ca bệnh tay chân miệng nặng đều ghi nhận sự xuất hiện của chủng virus EV71.

Năm nay, số ca bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng và đang là thời điểm mùa bệnh tay chân miệng. Trong sáng 22/5, Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị cho 30 ca bệnh tay chân miệng nội trú, trong đó có 3 trường hợp thở máy.

“Dù chưa thực hiện xét nghiệm nhưng chúng tôi nghi ngờ 3 trường hợp nặng này do chủng virus EV71 gây ra”, bác sĩ Nhàn nhận định.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, ghi nhận 6.711 ca mắc tay chân miệng. Đáng chú ý, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây. Cụ thể, trong tuần 20 (từ ngày 12 - 18/5), toàn Thành phố ghi nhận 916 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 40,1% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bệnh tay chân miệng đang là vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm bởi đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Hằng năm, trên cả nước có hàng chục đến hàng trăm ngàn trẻ mắc tay chân miệng, nhiều trường hợp gây biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Từ trước đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là giữ gìn vệ sinh. Do đó, nhu cầu nghiên cứu vaccine phòng bệnh hết sức quan trọng và cấp thiết. Những năm qua, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công ty Enimmune (Đài Loan, Trung Quốc) nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine EV71 phòng bệnh tay chân miệng do chủng virus EV71 gây ra.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003, vaccine EV71 bắt đầu được nghiên cứu tại Đài Loan (Trung Quốc) và được cấp phép đưa vào sử dụng tại đây từ năm 2023.

Còn tại Việt Nam, từ năm 2019, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cùng tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine EV71 khi dự án bắt đầu bước vào giai đoạn 3. Đã có hơn 2.700 trẻ em từ 2 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi tham gia thử nghiệm lâm sàng. Kết quả cho thấy, hiệu quả bảo vệ của vaccine này đạt 99,21%, sau tiêm vaccine các trường hợp mắc bệnh không ghi nhận biến chứng, không có ca mắc nặng. Đây là loại vaccine toàn phần bất hoạt, tiêm 2 liều cách nhau 28 ngày, dành cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi.

Tuy nhiên, vaccine này chỉ phòng ngừa được chủng virus EV71. Đây là chủng virus lây lan rất nhanh, gây sốt cao, dễ bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim. EV71 từng gây nhiều đợt bùng phát tay chân miệng tại Việt Nam với nhiều trường hợp nặng và tử vong.

Bác sĩ Lương Chấn Quang kỳ vọng, vaccine EV 71 sẽ trở thành “vũ khí” hiệu quả, hạn chế gánh nặng của bệnh tay chân miệng do chủng virus EV71 gây ra với trẻ em.

Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/benh-tay-chan-mieng-co-xu-huong-gia-tang-20250522145836614.htm