Kịch bản Hà Nội chuẩn bị khi dịch Covid-19 tăng trở lại
Số ca mắc Covid-19 tăng trở lại tại Hà Nội. Các bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, khu cách ly và thiết bị y tế để kịp thời thu dung, điều trị.
Kích hoạt hệ thống phản ứng nhanh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 9 đến 16/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận 23 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm 2025 đến nay lên 37 trường hợp. Dù chưa ghi nhận ca tử vong, nhưng diễn biến dịch đang có dấu hiệu phức tạp trở lại, đặc biệt tại các cơ sở y tế.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, chỉ trong nửa đầu tháng 5 đã tiếp nhận 12 ca mắc mới, trong đó 6 bệnh nhân phải điều trị nội trú. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng ghi nhận các ca bệnh rải rác.
Đáng chú ý, Bệnh viện Nhi Trung ương báo cáo mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 trẻ nhập viện do mắc Covid-19, chủ yếu có triệu chứng nhẹ đến trung bình. Riêng ngày 19/5, cơ sở này tiếp nhận 18 ca nhi.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng ghi nhận các ca mắc mới xuất hiện rải rác mỗi ngày. Một số trường hợp có triệu chứng nặng, phải thở máy, song chưa có bệnh nhân nào cần can thiệp ECMO như giai đoạn dịch cao điểm trước đây.
Trước thực trạng này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã yêu cầu các sở y tế và bệnh viện trên toàn quốc cập nhật khẩn trương kế hoạch thu dung, điều trị. Các cơ sở cần chuẩn bị đầy đủ khu cách ly, thuốc men, vật tư tiêu hao, đồng thời tăng cường bảo vệ nhóm bệnh nhân nguy cơ cao tại các khoa như hồi sức, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…
Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, các phương án ứng phó đã sẵn sàng. Cơ sở vật chất, khu cách ly, trang thiết bị và vật tư y tế đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Biện pháp phòng lây nhiễm qua đường hô hấp cũng được tăng cường nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trong nội viện.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – với thế mạnh chuyên sâu về truyền nhiễm vẫn duy trì khu cách ly riêng biệt, phân luồng rõ ràng, tạo thuận lợi cho công tác điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bệnh viện Nhi Trung ương báo cáo mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 trẻ nhập viện do mắc Covid-19.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, ba phòng cách ly đã được kích hoạt cùng hệ thống thiết bị, thuốc men, hóa chất, khẩu trang sẵn sàng phục vụ thu dung.
Theo BSCKII Nguyễn Thái Minh – Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện đang điều trị cho ba ca mắc Covid-19, trong đó có người cao tuổi, bệnh nhân nền và trẻ nhỏ. Ông cho biết đơn vị đã chủ động tham mưu Sở Y tế tăng cường các biện pháp phòng dịch và luôn đảm bảo cơ số thuốc thiết yếu.
Là một trong ba người đang điều trị tại đây, bệnh nhân L.X.H (71 tuổi, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) chia sẻ: "Tôi sốt trên 39 độ, ho nhiều, tức ngực, khó thở. Khi vào viện thì test nhanh dương tính. Sau vài ngày điều trị, tôi thấy khỏe hơn nhiều, rất yên tâm vì được bác sĩ chăm sóc tận tình".
Cùng lúc đó, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng đang tích cực rà soát và cập nhật phương án thu dung.
Theo BSCKII Trần Thị Kim Anh – Khoa Bệnh nhiệt đới, đơn vị đã trang bị đầy đủ hệ thống máy thở, monitor, oxy trung tâm, phòng áp lực âm, máy lọc không khí và tủ thuốc cấp cứu. Hiện khoa đang điều trị cho 8 bệnh nhân, trong đó có 5 người mắc suy thận mạn cần lọc máu định kỳ.
Nhờ đã tiêm vắc-xin đầy đủ, phần lớn bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ như viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phế quản, đáp ứng tốt với điều trị triệu chứng. Sau khoảng một tuần, đa số đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ngành y tế siết chặt giám sát, khuyến cáo không lơ là
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, công tác giám sát dịch tễ đang được thực hiện chặt chẽ tại cộng đồng, các cơ sở y tế và đặc biệt là tại các cửa ngõ trọng yếu như Sân bay quốc tế Nội Bài. Những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ đều được theo dõi sát sao, xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn nguồn lây.
Cùng với đó, ngành y tế Thủ đô đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo cho đội ngũ y tế tuyến cơ sở, nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó khi dịch có dấu hiệu lan rộng. Công tác truyền thông phòng dịch cũng được chú trọng, với thông điệp rõ ràng: không chủ quan nhưng cũng không hoang mang, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức phòng bệnh.

Nhờ tiêm vắc-xin đầy đủ, phần lớn bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ như viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phế quản, đáp ứng tốt với điều trị triệu chứng.
"Dịch Covid-19 tại Hà Nội vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ bùng phát là hoàn toàn có thể xảy ra. Người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, ăn uống đầy đủ để tăng cường miễn dịch.
Khi có biểu hiện như sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời", ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Covid-19 hiện đã được phân loại là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có tính chất lưu hành và diễn biến theo chu kỳ như cúm mùa.
Dù chưa ghi nhận ca bệnh nặng hay tử vong gần đây, nguy cơ biến chứng nặng vẫn hiện hữu đối với các nhóm dễ tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch hoặc phụ nữ mang thai.
Ông Phu cảnh báo, người dân không nên quá lo lắng, song cần duy trì sự cảnh giác, đặc biệt với những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh.
"Việc đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên vẫn là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa lây nhiễm", ông nói.
Trong khi đó, Bộ Y tế cũng đang theo dõi sát các diễn biến của dịch và sẵn sàng đưa ra khuyến cáo kịp thời nếu xuất hiện biến thể mới có nguy cơ cao. Hiện tại, biến thể lưu hành chủ yếu vẫn là Omicron với triệu chứng nhẹ, đa phần người bệnh được chỉ định điều trị ngoại trú.
Người điều trị tại nhà được yêu cầu cách ly ít nhất 5 ngày, đeo khẩu trang trong vòng 10 ngày, hạn chế tiếp xúc và đảm bảo vệ sinh cá nhân. Người chăm sóc cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch để hạn chế nguy cơ lây lan.
Covid-19 lây qua giọt bắn, tiếp xúc bề mặt và khí dung trong môi trường kín, đông người. Triệu chứng có thể rất đa dạng từ không có biểu hiện lâm sàng cho tới viêm phổi nặng, suy hô hấp hoặc thậm chí tử vong ở nhóm có nguy cơ cao.
Bộ Y tế dự báo số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới và khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch cá nhân, đồng thời chủ động theo dõi sức khỏe. Đặc biệt, người cao tuổi, có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai cần được quan tâm, bảo vệ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiềm ẩn những yếu tố khó lường.