Bệnh tay chân miệng vào mùa, TP.HCM lo ngại dịch chồng dịch
Bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng và sốt xuất huyết đến sớm, các chuyên gia lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 17-3 đến ngày 23-3 (tuần 12), TP.HCM ghi nhận 348 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 84,4% so với trung bình 4 tuần trước.
Vất vả chăm con bệnh nhiều ngày
Anh PĐT (50 tuổi, ở tỉnh Bình Phước) đang chăm sóc con điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Anh T cho hay con bị sốt khi đi học về, gia đình đã hạ sốt bằng mọi cách nhưng bé vẫn lên cơn co giật.
Gia đình đưa bé đến cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương, sau đó thấy tình hình sức khỏe bé không ổn nên xin chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, bé được xác định mắc bệnh tay chân miệng độ 2.

Anh T chăm con bị tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Hiện sức khỏe bé dần ổn định, hết sốt, bác sĩ dự kiến bé sẽ được xuất viện sớm” - anh T nói.
Giường bên cạnh là con gái 14 tháng tuổi của chị LHT (27 tuổi, ngụ Đồng Nai). Chị T cho biết con chị nhập viện đã 4 ngày. Trước đó con có sốt cao không giảm, gia đình đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 2 khám và được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng, cho theo dõi ngoại trú.
“Sau khi về nhà, con tôi sốt cao không hạ nên được nhập Bệnh viện Nhi Đồng 2. Hiện giờ sức khỏe con tiến triển tốt, ăn uống bình thường, sắp được xuất viện” - chị T cho hay.
Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2025 đến tuần 12 tại TP.HCM là 1.917 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, quận 8 và quận 6.

Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị khoảng 50 ca tay chân miệng. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Bệnh vào mùa, không nên chủ quan
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1), cho biết tình hình điều trị bệnh tay chân miệng tại bệnh viện hiện tăng cao hơn cùng kỳ năm 2024 và cao hơn so với trung bình 5 năm. Trong 3 tháng đầu năm 2025 có 142 ca tay chân miệng nhập viện.
“Khoa đang điều trị 7 ca tay chân miệng, tuần trước hơn 20 ca, như vậy tuần này có giảm nhẹ. Tuy nhiên đây là vào đầu mùa dịch tay chân miệng nên dù có giảm nhẹ nhưng cũng không nên chủ quan. Đa số bệnh nhân tự khỏi nhưng vẫn có trường hợp chuyển biến nghiêm trọng” - bác sĩ Quy cảnh báo.
Theo bác sĩ Quy, bệnh tay chân miệng thường khởi phát với các triệu chứng như sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Sau khoảng 1-2 ngày, trẻ có thể xuất hiện các nốt loét ở lưỡi, lợi và bên trong má gây đau rát. Các nốt ban đỏ, phẳng hoặc gồ lên, kèm theo bọng nước, thường tập trung nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân, mông và cơ quan sinh dục.
Bệnh tay chân miệng dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng, nước bọt và các nốt phỏng hoặc tiếp xúc gián tiếp với các vật dụng sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà...
Trẻ dưới 5 tuổi với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ lớn và người lớn. Nhà trẻ và trường mầm non là những nơi dễ bùng phát dịch, tạo nguy cơ lây nhiễm nhanh chóng trong cộng đồng.

Các nốt ban đỏ kèm theo bọng nước thường tập trung nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân, mông và cơ quan sinh dục. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Lo ngại dịch chồng dịch
ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết hiện khoa đang điều trị khoảng 50 ca tay chân miệng, trong đó 7 ca hộ khẩu TP.HCM, còn lại từ các tỉnh chuyển đến.
Theo bác sĩ Qui, tháng 3, tháng 4 là thời điểm dịch bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng. Dù không có sự gia tăng đột biến nhưng dịch tay chân miệng vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ.
Tại bệnh viện, khoa đang chia thành hai khu cách ly riêng biệt, một khu dành cho bệnh nhân sởi và khu còn lại sẽ điều trị các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết,…
Tuy đã phân chia như vậy nhưng cũng không khỏi lo ngại khi ba dịch bệnh này có thể chồng lên nhau, gây khó khăn cho việc điều trị và tăng tải cho nhân viên y tế. Đặc biệt, sốt xuất huyết cũng có xu hướng gia tăng trong những tuần qua, cần phải chuẩn bị đối phó với nguy cơ bùng phát dịch.
“Dù tay chân miệng không tăng mạnh so với năm ngoái nhưng không thể chủ quan, bởi các bệnh truyền nhiễm vẫn có thể thay đổi bất ngờ, đòi hỏi chúng ta phải luôn cảnh giác và phòng ngừa” - bác sĩ Qui nhấn mạnh.
Để phòng ngừa lây lan bệnh tay chân miệng, bác sĩ Qui khuyến cáo phụ huynh cần đảm bảo trẻ mắc tay chân miệng phải cách ly tại nhà ít nhất 7 ngày kể từ khi có dấu hiệu bệnh để tránh lây lan trong cộng đồng, nhất là ở trường học.
Khi gia đình có trẻ bị tay chân miệng, cần cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ khác trong gia đình, đảm bảo vệ sinh tay sau khi chăm sóc và tuyệt đối không để các trẻ chưa mắc bệnh tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
“Tình hình dịch bệnh hiện tại đang phức tạp, ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ, phụ huynh cần phối hợp tốt với các cơ sở y tế để phòng ngừa hiệu quả, tránh tình trạng dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng” - bác sĩ Qui nói.
Tăng cường phòng chống dịch
Sốt xuất huyết và tay chân miệng là hai bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại TP.HCM. Hiện giám sát tháng 3-2025 ghi nhận tay chân miệng tăng, đây là diễn biến thông thường.
Trong khi đó, sốt xuất huyết đang ở giai đoạn thấp điểm của năm, song số ca mắc các tuần năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngành y tế dự báo dịch sốt xuất huyết có thể đến sớm.
Để tránh dịch chồng dịch, ngay khi có dự báo sốt xuất huyết đến sớm, Sở Y tế đã ra những chỉ đạo quyết liệt, tập trung ưu tiên giám sát các điểm nguy cơ gây dịch như tăng cường các hoạt động phòng chống dịch trong trường học. HCDC duy trì đầy đủ các mạng lưới giám sát ca bệnh, tác nhân… để có căn cứ sớm cảnh báo dịch bệnh, đáp ứng kịp thời.
Bà LÊ HỒNG NGA, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/benh-tay-chan-mieng-vao-mua-tphcm-lo-ngai-dich-chong-dich-post841332.html