Bệnh tham nhũng và những 'bước đi giật lùi' trên đường phát triển

'Sự phát triển kinh tế chắc chắn đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ ngày càng cao và công nghệ áp dụng cũng ngày càng cao, không thể có cách nào khác. Nền kinh tế càng phát triển thì tham nhũng càng tinh vi. Quốc tế người ta đã có cách minh bạch thương mại với cả trong nước và quốc tế, ta cần học theo'.

"Nguồn lực đầu vào của nền kinh tế càng phát triển thì xác định giá trị đầu vào cũng kéo theo sự phức tạp. Lúc này rất cần tới lượng tri thức lớn để quản lý, trong khi chúng ta chưa tạo được điều kiện để cán bộ không muốn, không cần và không thèm tham nhũng". Ảnh: NV

"Nguồn lực đầu vào của nền kinh tế càng phát triển thì xác định giá trị đầu vào cũng kéo theo sự phức tạp. Lúc này rất cần tới lượng tri thức lớn để quản lý, trong khi chúng ta chưa tạo được điều kiện để cán bộ không muốn, không cần và không thèm tham nhũng". Ảnh: NV

Năm 2011, Ngân hàng Thế giới cùng với Đại sứ quán Đan Mạch và Thụy Điển đã khởi động vòng đối thoại với Chính phủ Việt Nam về vấn đề tham nhũng và các biện pháp ngăn chặn. Nghiên cứu của phía đối tác nước ngoài đã chỉ ra đất đai là lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng lớn nhất. Sự thực, không cần chứng minh gì thì dân ta ai cũng biết rất rõ điều này. Lúc đó, tôi cũng được các bạn đối tác nước ngoài mời tham gia cùng nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu của đối tác nước ngoài cũng chỉ khoanh lại nghiên cứu ở các lĩnh vực người dân dễ nhận biết, không đi xa hơn sang lĩnh vực nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ cao. Tôi nghĩ, chắc không xa nữa Việt Nam cũng phải phát triển theo quy luật tất yếu dựa trên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và áp dụng công nghệ cao. Tham nhũng sẽ lan đến đây nhanh chóng…

Một kỷ niệm khó quên

Tôi bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ bậc 2 tại Ba Lan vào năm 1988, cũng đúng lúc hết thời hạn nghiên cứu và về nước. Lúc này, Tổng thống Mỹ Ronal Reagan đã yêu cầu quân đội Mỹ nghiên cứu để từng bước mở cửa cho sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS vào mục đích dân sự. Các nước tiên tiến đã tìm mọi cách nghiên cứu sớm để ứng dụng sớm việc thu tín hiệu từ vệ tinh nhằm tính ngay ra "mình đang ở đâu trên mặt đất này". Quả là một bước tiến dài như một cuộc cách mạng về xác định vị trí mỗi người trong mô hình trái đất thực. Đến nay, điện thoại thông minh của mỗi người đều xác định được vị trí của mình trên trái đất.

Tôi rất muốn ở lại Ba Lan để nghiên cứu rồi đem thiết bị về đổi mới công nghệ ở nước ta. Nhưng vì nhiều lý do, tôi đã quyết định về nước đúng hạn và quyết tâm tự nghiên cứu vấn đề GPS ở trong nước.

Năm 1990, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã quyết định cho phép áp dụng GPS vào mục đích dân sự. Ngay năm đó, tôi đã bỏ tiền túi ra nhập 2 máy thu GPS của Mỹ từ một anh bạn người Pháp về Việt Nam, vì ta còn đang bị Mỹ cấm vận.

Khi đó tôi có thảo luận với anh Phạm Gia Khiêm đang trong chức vụ Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tôi chỉ đề nghị: "Tôi đã bỏ tiền túi khoảng 22 nghìn đô la Mỹ ra để mua 2 máy định vị vệ tinh GPS nhằm thử nghiệm công nghệ để áp dụng vào thực tế, nếu áp dụng thành công thì xin Nhà nước hoàn lại số tiền riêng đã bỏ ra". Anh Phạm Gia Khiêm đã đồng ý và yêu cầu lập một dự án cụ thể.

Thử nghiệm công nghệ đã thành công vào năm 1991 mà không cần ai chuyển giao công nghệ. Chỉ đến 1995, những máy đo đạc tọa độ xưa đã chuyển hết vào nhà lưu niệm và cả nước đã chuyển sang sử dụng GPS để xác định vị trí. Hơn nữa, GPS đã giúp cho xây dựng Hệ thống Tọa độ Quốc gia VN-2000, tới tận các quần đảo xa xôi, kết nối được với tọa độ của bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Chuyện tôi muốn nói là thử nghiệm GPS đã thành công, số tiền riêng đã bỏ ra mua 2 máy GPS để thử nghiệm đã được phê duyệt thanh toán từ ngân sách nhà nước. Tôi vui mừng mọi bề, đạt một bước tiến dài về công nghệ, mà tiền riêng đã bỏ ra được Nhà nước thanh toán. Cũng có mấy anh bạn nói "lửng lơ" rằng, thanh toán nhiều hơn đâu có khó, vì hóa đơn nhập khẩu nào của thời cấm vận mà không làm lại được.

Là con người bằng xương, bằng thịt, ai chẳng có lúc mềm lòng. Nhưng tôi đã nghĩ và quyết định phải trung thực với chính mình, không khác được. Đến nay, tôi vẫn thấy vui khi nghĩ về những kỉ niệm đáng nhớ đã qua.

Đề án đầu tiên xây dựng Chính phủ điện tử - Đề án 112

Ngày 17/9/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban điều hành Đề án Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005 mang tên Đề án 112 - tức là bước đầu hướng tới Chính phủ điện tử, giao ông Vũ Đình Thuần (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) làm Trưởng ban. Tin học hóa Chính phủ là một lĩnh vực mới, Đề án này đã được rất nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài trợ giúp như Tập đoàn Intel của Mỹ hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Tôi lúc đó đang làm ở Tổng cục Địa chính, đồng thời là Trưởng ban xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, một nhánh trong Chương trình Quốc gia về công nghệ thông tin khóa I (1993 - 1997) do Giáo sư Phan Đình Diệu chủ trì về kỹ thuật. Vậy nên tôi rất vui và hy vọng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia sẽ được chắp cánh.

Thực chất, đã rơi vào công nghệ cao là khó kiểm soát, kể cả không rõ đâu là giá lao động chân tay và đâu là giá của chất xám. Giá thiết bị cũng không thể kiểm soát nổi nếu không biết cách. Nếu không kiểm soát được thì tiền ngân sách sẽ trôi đi như nước.

Đúng vậy, sau 6 năm triển khai, Chính phủ đã nhìn thấy từ thực tiễn, Dự án 112 không đi đúng mục tiêu đặt ra và có nhiều yếu tố tham nhũng.

Ngày 13/9/2007, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trưởng Ban điều hành Ðề án 112 cùng nhiều bị can khác tham gia Ðề án về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

Chương trình Chính phủ điện tử của ta bị lặng đi một thời gian khá dài, rồi mới từng bước khôi phục dần.

Tham nhũng công nghệ hiện thời

Vừa qua, cả thế giới đã "nghiêng ngả" vì cú sốc COVID-19 thật nặng nề. Việt Nam cũng không nằm ngoài tai nạn toàn cầu này. Cũng đã có lúc Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ rơi vào nguy kịch, nhiều người dân, đa số là người nghèo đã phải từ biệt cõi đời. Nhiều khu dân cư bị cách ly tuyệt đối, sử dụng que thử vài ngày một lần.

Giữa lúc nhu cầu que thử COVID lên cao thì Việt Á cùng không ít cơ quan nhà nước đã dựng lên "công trình khoa học sáng tạo que thử Việt tiên tiến". Nhiều địa phương đã duyệt giá "trên trời" để mua và bắt dân làm gì cũng phải xét nghiệm. Ở đây, hãy gạt sang một bên các yếu tố về tình đồng loại, tình đồng chí, tình thương gắn với nhân văn. Những người có thẩm quyền đã duyệt giá que thử mà không dựa vào bất cứ luận cứ thương mại nào.

Đồng thời với những ngày COVID, vụ công ty AIC cũng cung cấp các thiết bị công nghệ giá cao hơn mức giá thị trường cho nhiều dự án của Nhà nước, mà mãi mới tìm ra tham nhũng từ các yếu tố hối lộ. Bản chất về giá cung cấp hàng bao nhiêu là đúng vẫn chưa đạt được những quy tắc mang tính chuẩn mực quốc tế. Các cơ quan chức năng vẫn sử dụng các biện pháp nghiệp vụ là chính, mà chưa hòa được vào môi trường kinh doanh quốc tế vốn rất minh bạch.

Sau khi thử nghiệm thành công hệ thống định vị vệ tinh GPS, tôi đã đề nghị thành lập một công ty nhà nước có chức năng thương mại kỹ thuật, và tôi có thời gian nghiên cứu khá sâu hệ thống thương mại quốc tế. Trên thế giới, mỗi một mặt hàng ra đời, công ty sản xuất phải đăng ký mặt hàng đó và phổ biến giá bán trong từng thời gian. Khi xuất khẩu đi nước khác, họ bổ nhiệm đại diện toàn quyền (distributor) phân phối, hoặc các đại lý bán lại (resellers) sản phẩm, phổ biến bảng giá cố định thống nhất (list prices) và mỗi một dạng được phép bán sản phẩm đều được một tỷ lệ phần trăm giảm giá nào đó.

Tùy vào đối tượng mua hàng ở Việt Nam, người phân phối hàng ở đây được giảm giá cho người mua trong tỷ lệ phần trăm mình được giảm giá. Các đại diện toàn quyền của hãng và các đại lý bán lại đều không được bán giá cao hơn bảng giá cố định và số tiền thu được do giảm giá phải đưa vào sổ sách kế toán chính thức. Cơ quan quản lý nhà nước muốn biết giá thật của một loại thiết bị nào đó thì không hề khó. Phòng Thương mại và Công nghiệp nước ta có trách nhiệm cung cấp giá theo bảng giá, nếu không biết thì họ hỏi đại diện thương mại của ta ở nước sản xuất, mà không biết nữa thì hỏi đại diện phòng thương mại của nước sản xuất ở Việt Nam.

Cách thức thì không khó, đã có sẵn cả rồi, nhưng nhiều người lại cứ muốn đi "giật lùi" khỏi thông lệ quản lý thương mại quốc tế. Phòng thương mại thời bao cấp đã lớn mạnh rất nhiều, nhưng nay đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, không làm những gì cần thiết để môi trường thương mại ở Việt Nam được minh bạch. Đại diện thương mại của ta ở một số nước cũng nhàn hạ, không mấy vất vả.

Cách quản lý khác biệt của ta cũng đang làm cho các cơ sở y tế không dám mua thiết bị, thuốc men nữa, cứ để thiếu cho bệnh nhận chịu còn mình được "yên lành". Khi cơ quan quản lý nhà nước có bảng giá của mọi loại thiết bị y tế, thuốc men thì ai lừa được Nhà nước?

Quản trị và kết hợp với quản lý

Khái niệm quản trị (governance) đã được hình thành trên thế giới khoảng hai chục năm gần đây. Người ta cho rằng quản lý (management hoặc administration) dễ bị tha hóa vì là quyết định một chiều từ trên xuống. Vì vậy, người ta đặt vấn đề là làm gì để các quyết định quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền luôn đúng đắn, hiệu quả và không bị lợi ích tư nhân của người ra quyết định quản lý xen vào.

Sau nhiều nghiên cứu, người ta rút ra kết luận rằng quản lý theo chiều trên xuống phải kết hợp với sự tham gia của người bị quản lý theo chiều dưới lên để kiểm soát được quyền lực của quản lý. Chiều tham gia từ dưới lên gọi là quản trị. Khi sự tham gia từ dưới lên được toàn diện và hiệu quả thì người ta gọi là quản trị tốt.

Cũng từ các nghiên cứu và thực nghiệm, người ta kết luận rằng muốn có hệ thống quản trị tốt cần 3 yếu tố cốt lõi. Một là, người dân có đủ điều kiện để tham gia vào quản lý và giám sát. Hai là, thông tin quản lý phải minh bạch để giúp người dân tham gia. Ba là, cơ quan, cán bộ quản lý phải chịu trách nhiệm giải trình trước các ý kiến tham gia của dân. Ở ta, nhiều nơi, nhiều chỗ dùng thuật ngữ "quản trị" không đúng với ngữ nghĩa của lý thuyết này. Nhiều người còn dịch "Governance" thành "quản lý của nhà nước", chắc thấy giông giống từ "Government" có nghĩa là "Chính phủ".

Vấn đề còn lại, điều kiện để triển khai quản trị lại là do Nhà nước đặt ra trong pháp luật, và người dân có đủ kiến thức để tham gia khi nền kinh tế đòi hỏi trình độ nguồn nhân lực ngày một cao và trình độ công nghệ cũng ngày một cao.

Trước hết, cần tới sự thành tâm vì dân của các cán bộ được dân lựa chọn. Tôi lấy ví dụ như Luật Đất đai 2013 đã đưa khá đầy đủ các yếu tố quản trị vào, nhưng không được triển khai trên thực tế vì các điều luật này không có hướng dẫn chi tiết của Chính phủ để thực hiện. Quản trị vẫn nằm "ngủ say" trên trang giấy in của điều luật. Tôi cũng đã nghe điện thoại của nhiều người dân, họ cho rằng pháp luật đất đai quá rắc rối và phức tạp, đọc mãi mà không hiểu, thuê luật sư thì không có tiền. Quả là e ngại.

Cần học theo sự minh bạch thương mại với cả trong nước và quốc tế

Sự phát triển kinh tế chắc chắn đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ ngày càng cao và công nghệ áp dụng cũng ngày càng cao, không thể có cách nào khác. Nền kinh tế càng phát triển thì tham nhũng càng tinh vi. Quốc tế người ta đã có cách minh bạch thương mại với cả trong nước và quốc tế, ta cần học theo. Nguồn lực đầu vào của nền kinh tế càng phát triển thì xác định giá trị đầu vào cũng kéo theo sự phức tạp. Lúc này rất cần tới lượng tri thức lớn để quản lý, trong khi chúng ta chưa tạo được điều kiện để cán bộ không muốn, không cần và không thèm tham nhũng.

Về phía người dân, vai trò đóng góp cho quản trị là cực kỳ lớn, nhưng dân trí cũng phải tăng lên. Nói cách khác, tỷ lệ dân trí cao phải ngày càng tăng, hiểu biết ngày càng rộng, càng sâu. Để đạt được mục tiêu này, cải cách giáo dục phải hiệu quả để có những công dân tương lai có trí tuệ cao, làm tăng dân trí. Phương tiện thông tin đại chúng cũng là công cụ hữu hiệu để xây dựng một xã hội học tập làm tăng dân trí.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/benh-tham-nhung-va-nhung-buoc-di-giat-lui-tren-duong-phat-trien-179230625190658882.htm