Bệnh thận ở trẻ em: Cảnh báo sớm để không phải chạy thận
Mỗi tháng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận khoảng 150 ca bệnh thận mạn ở trẻ em.

Ghép thận cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
PGS.TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh – Trưởng Khoa Thận nội tiết cho biết: Trung bình mỗi tháng, khoa tiếp nhận khoảng 150 trường hợp bệnh thận mạn, bao gồm cả bệnh nhân đang theo dõi lâu dài và ca mắc mới. Dù số lượng mắc mới hằng năm không cao, nhưng vẫn tích lũy dần theo thời gian.
Bệnh thận mạn ở trẻ em là tình trạng chức năng thận suy giảm kéo dài. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, thường phổ biến nhất ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi và từ 6 đến 10 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng, từ bất thường bẩm sinh về cấu trúc thận, yếu tố di truyền, nhiễm trùng, đến ảnh hưởng từ việc dùng thuốc không đúng cách.
Không ít trường hợp trẻ được phát hiện bệnh tình cờ khi đi siêu âm vì lý do khác. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp nhập viện trong giai đoạn muộn, khi chức năng thận đã suy nặng và cần can thiệp cấp cứu bằng lọc máu hoặc chạy thận nhân tạo.
Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo phụ huynh nên cảnh giác và đưa trẻ đến khám sớm nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ:
Trẻ có biểu hiện bất thường khi tiểu tiện: tiểu ít, tiểu đỏ, tiểu đục, tiểu lắt nhắt, không tự chủ, tiểu đau.
Có tiền sử bất thường đường tiết niệu trong thai kỳ, như thận ứ nước, niệu quản giãn.
Gia đình có người mắc bệnh thận mạn.
Trẻ xanh xao, chậm lớn, ăn uống kém hoặc da xạm - những dấu hiệu không đặc hiệu nhưng có thể cảnh báo sớm bệnh thận.