Bệnh thủy đậu không chỉ nguy hiểm với trẻ em
Theo các chuyên gia y tế, bệnh thủy đậu không chỉ nguy hiểm với trẻ em, mà người lớn nếu mắc thủy đậu kèm bệnh nền, rất dễ gây biến chứng nguy hiểm.
Bệnh diễn biến phức tạp
Thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, đã tiếp nhận và điều trị nhiều ca mắc thủy đậu. Trong đó, có ca tử vong khi mới 32 tuổi.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, hiện các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, dù tiền sử không có bệnh nền.
“Thủy đậu thường mắc ở trẻ em do không tiêm phòng, nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng, chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát. Những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng mắc các bệnh nền như ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như Corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gout, phổi, thận”, PGS Cường cho biết.
Một số bệnh nhân nhập viện trên cơ địa đặc biệt hay phụ nữ có thai. Đây là những nhóm đặc biệt, khi mắc bệnh, virus sẽ bùng lên và tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí suy đa phủ tạng cần lọc máu.
Hiện ở Trung tâm vừa tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam, 29 tuổi, ở Bắc Ninh.
Qua khai thác người nhà cho biết, bệnh nhân có dấu hiệu bị thủy đậu, nhưng đi khám thì chỉ uống thuốc rồi về. 2 hôm sau bệnh nhân thấy có dấu hiệu khó thở hơn.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tình trạng hồng cầu tụt, khó thở, phải hỗ trợ thở oxy, tình trạng tổn thương da toàn thân, nổi các nốt phỏng, sốt. Đây là trường hợp thủy đậu nặng, có biến chứng, suy gan, suy hô hấp, có biểu hiện tổn thương. Bệnh nhân có tiền sử bệnh gout.
Hiện, bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc kháng virus, truyền tĩnh mạch, hồi sức tích cực…
Nguy cơ viêm não - màng não
Chia sẻ về biến chứng của bệnh thủy đậu, BSCKII Quách Nguyễn Thu Thủy, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: “Bệnh thủy đậu nguy hiểm nếu không được điều trị đúng phương pháp và kịp thời. Căn bệnh này có thể biến chứng nhanh chóng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh”.
Thủy đậu biến chứng viêm da do bội nhiễm vi khuẩn thì nốt thủy đậu có mưng mủ. Khi khỏi, bệnh thường để lại sẹo, đôi khi là sẹo rất sâu, khó hồi phục, dễ nhầm với nốt đậu mùa.
Nếu người bệnh bị suy dinh dưỡng nặng, nốt thủy đậu có thể có hoại tử. Bội nhiễm tụ cầu và liên cầu, chốc, nhọt, viêm mô tế bào và hoại tử. Trường hợp nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết.
Thủy đậu biến chứng cũng có thể gây viêm tai (tai ngoài, tai giữa), viêm thanh quản, viêm phổi. Một số trường hợp nặng có thể gây viêm thận cấp (tiểu ra máu).
Viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này, xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh, người lớn và ở những người có hệ miễn dịch kém.
Thủy đậu biến chứng nặng nhất là gây viêm não - màng não, hết sức nguy hiểm. Người bệnh có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời.
Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu cũng sẽ rất nguy hiểm vì dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi.
Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus sẽ gây sảy thai. Hoặc, khi sinh ra, trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, nhẹ cân, chậm phát triển...
Nếu mắc thủy đậu trong những ngày sắp sinh hay sau sinh, trẻ sẽ bị lây bệnh rất nặng với mụn nước nổi nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp...
Biến chứng thủy đậu người lớn hoặc trẻ nhỏ đều có thể gây viêm phổi nặng do virus, viêm thận cấp tính (liên cầu khuẩn), nhiễm khuẩn huyết (liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn), ban xuất huyết giảm tiểu cầu.
Thậm chí sau khi bệnh nhân đã khỏi, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). Nhiều năm sau đó, có thể là 10, 20 hay 30 năm, khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém hay có yếu tố gì khác, siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra bệnh Zona thần kinh.
Để phòng bệnh, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân nên đi tiêm vaccine thủy đậu, không nên chủ quan và nghĩ bệnh chỉ mắc ở trẻ em, bị vài ngày rồi khỏi. Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh.
Khi thấy trẻ em hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp.
Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì hay có bệnh nền. Bệnh thủy đậu ở người lớn cũng thường được phát hiện muộn hơn, hoặc chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống virus thủy đậu là Acyclorvir. Song, cần phải điều trị sớm trong những ngày đầu mới có hiệu quả.
Có thể dùng thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, bôi các dung dịch sát khuẩn làm se các nốt phỏng tránh bội nhiễm (xanh methylen), vệ sinh thân thể tránh các biến chứng bội nhiễm, không cần phải kiêng cữ nhiều (kiêng gió, kiêng nước...).
Điều quan trọng là người bệnh cần phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh, tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn như Corticoid.
“Trẻ có thể bắt đầu tiêm phòng thủy đậu từ 12 tháng tuổi hay bất kỳ ở lứa tuổi nào sau đó khi có điều kiện. Đối với phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có thai ít nhất 3 tháng. Khi mắc thủy đậu, cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc 7 - 10 ngày, từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh”, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/benh-thuy-dau-khong-chi-nguy-hiem-voi-tre-em-post647081.html