Bệnh trầm kha 'trên nóng, dưới lạnh' khiến người lao động chịu thiệt
Dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra tay tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, song việc thực thi Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 vẫn cho thấy, 'bệnh' trên nóng, dưới lạnh đang trầm kha và chịu thiệt thòi chính là người lao động.
Sự chậm trễ làm mất đi ý nghĩa
Tuần qua, trước khi bế mạc phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải dành thời gian xem xét đề xuất của Chính phủ cho phép tiếp tục chi trả, hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 (Nghị quyết 03).
Nghị quyết này ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Gần một năm trước, ngày 24/9/2021, khi diễn biến dịch Covid-19 hết sức căng thẳng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bất thường, sau đó, ngay cuối chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 03, đồng ý sử dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020 để hỗ trợ người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Nghị quyết cũng chốt thời gian hoàn thành việc hỗ trợ cho người lao động chậm nhất đến hết ngày 31/12/2021.
Hơn 8 tháng kể từ mốc thời gian đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, chính sách tại Nghị quyết 03 là kịp thời, bám sát thực tiễn, đúng đối tượng.
Nhưng do dự báo đối tượng thụ hưởng chưa sát, nên số tiền hỗ trợ đã lên tới 30.804 tỷ đồng mà vẫn còn nhiều lao động chưa được chi trả.
Cụ thể, sau ngày 31/12/2021, vẫn còn hơn 414.000 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng thời hạn, nhưng chưa được chi trả, với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng.
Cụ thể hơn, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đến ngày 31/12/2021, đã giải quyết thủ tục để được hưởng chế độ cho 119.357 người lao động với tổng số tiền gần 336 tỷ đồng, nhưng chưa được nhận tiền. Đồng thời, ngành bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận hồ sơ của 295.107 người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ, nhưng chưa làm thủ tục giải quyết, với số tiền là 819 tỷ đồng.
Việc chưa chi trả đối với những trường hợp đã được xét duyệt và những người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đúng hạn theo hướng dẫn, nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, theo đánh giá của Ủy ban Xã hội, là đã tạo dư luận không tốt, gây mất niềm tin của người lao động, giảm ý nghĩa của chính sách. Sự chậm trễ này còn gây ra áp lực rất lớn cho các cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết chế độ và cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương.
Cơ quan của Quốc hội còn nhấn mạnh, vấn đề đáng quan tâm là, trong quá trình thẩm tra đề xuất ban hành chính sách, Thường trực Ủy ban Xã hội đã nhiều lần chất vấn, lưu ý về nội dung nói trên, nhất là về số liệu liên quan đến quy mô hỗ trợ (tổng số đối tượng, tổng số tiền hỗ trợ), song cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thực thi chính sách đều khẳng định đã rà soát, hệ thống công nghệ thông tin quản lý đến tận từng người, về cơ bản sẽ không có sự phát sinh đối tượng do việc thực hiện hỗ trợ đối với người lao động được tính tại thời điểm ban hành Nghị quyết và sẽ không có sai sót trong quá trình triển khai thực hiện.
Đáng nói hơn, “trong bối cảnh cấp bách, với tính chất và ý nghĩa của Nghị quyết 03, việc xử lý của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với tồn đọng chưa giải quyết chế độ đối với hơn 400.000 người lao động là rất chậm, không đúng với tinh thần làm việc của Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Để chứng minh, bà Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội đã nêu vấn đề này trong Báo cáo số 774 ngày 22/5/2022 gửi đại biểu Quốc hội và đã kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 03.
Cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi không kịp thời báo cáo và xử lý vấn đề phát sinh.
Giải quyết dứt điểm
Nhìn lại Nghị quyết 03, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, chính sách ở đó không chỉ tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động, mà còn góp phần hỗ trợ rất tốt cho nền kinh tế nói chung trong giai đoạn, hoàn cảnh đó.
Nhưng đối tượng còn sót, số tiền thực tế lớn hơn, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết tiếp nối Nghị quyết 03 để giải quyết dứt điểm quyền lợi cho người lao động.
Đồng tình ban hành nghị quyết mới, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ làm rõ thêm, số người đã nộp hồ sơ đến hết thời hạn của Nghị quyết 03 đã bao gồm hết tất cả các đối tượng chưa, bởi Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nói là có những khó khăn, vướng mắc trong xác định đối tượng, đặc biệt liên quan đến đối tượng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập không hưởng hay hưởng một phần chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
“Các cơ quan chức năng đã rà soát hết chưa, liệu còn vướng mắc gì không, còn phát sinh thêm đối tượng không, bởi nếu Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết là chốt số tiền rồi?”, ông Tùng nêu vấn đề.
Dù còn băn khoăn, nhưng để giải quyết dứt điểm như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp đã tán thành ban hành nghị quyết mới, cho phép sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết 03 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn. Thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/9/2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 03 vào phiên họp tháng 9/2022, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Lưu ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là, báo cáo Chính phủ với Quốc hội cần nêu rõ hơn nguyên nhân dẫn đến hạn chế, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, nhất là đối với các cơ quan thực thi chính sách khi không kịp thời báo cáo và xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Quỹ Bảo biểm thất nghiệp vẫn an toàn
Theo thông tin từ Chính phủ, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến ngày 31/12/2021 là 61.459 tỷ đồng, dự toán thu năm 2022 là 21.880 tỷ đồng, dự toán chi là 25.585 tỷ đồng.
Nếu tiếp tục chi trả cho người lao động đủ điều kiện và nộp hồ sơ đề nghị theo đúng quy định với số tiền khoảng 1.155 tỷ đồng, thì dự kiến tổng chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 là 26.740 tỷ đồng, kết dư của Quỹ đến cuối năm 2022 là 56.599 tỷ đồng. Mức này được Chính phủ khẳng định là vẫn đảm bảo an toàn, vì vẫn cao hơn hai lần tổng chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021.