Bệnh viện 108: Trị bệnh cứu người là trách nhiệm thiêng liêng, cao quý
Giáo sư Mai Hồng Bàng cho hay suốt chiều dài 70 năm truyền thống, bệnh viện đã xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên tâm, tận lực với nghề, coi việc trị bệnh cứu người là trách nhiệm thiêng liêng cao quý.
Bệnh viện thay đổi phong cách phục vụ với phương châm phục vụ lấy người bệnh là trung tâm, thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ công nhân viên từ “ban ơn” sang “cảm ơn” người bệnh.
Trong 7 năm qua, số lượng bệnh nhân đến khám liên tục tăng cao, trung bình từ 1.500 đến 1.800 người/ngày (vào năm 2014), thì nay số lượng bệnh nhân đến khám trung bình luôn ở mức 4.500 đến 5.500 người/ngày (năm 2020).
Trung tướng, Giáo sư Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết về những thay đổi của bệnh viện nhân dịp 70 năm hình thành và phát triển.
Tự hào truyền thống 70 năm
Giáo sư Mai Hồng Bàng cho hay suốt chiều dài 70 năm truyền thống, bệnh viện đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ chuyên tâm, tận lực với nghề, coi việc trị bệnh cứu người là trách nhiệm thiêng liêng, cao quý.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa sâu tuyến cuối toàn quân, Bệnh viện hạng đặc biệt Quốc gia, thành viên y tế chuyên sâu của Hà Nội và cả nước.
Bệnh viện có chức năng nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong mọi tình huống; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam và nước bạn Lào, Campuchia.
Bệnh viện được thành lập ngày 01/4/1951 tại Làng Nông, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Sự ra đời, trưởng thành và phát triển của bệnh viện gắn liền với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước.
Bệnh viện với các tên gọi Bệnh viện Trung ương Yên Trạch, Phân Viện 8, Quân y Viện 108, Viện Quân y 108 và ngày nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Khi mới ra đời tại Thái Nguyên, bệnh viện mang tên Bệnh viện Trung Lương Yên Trạch với 30 cán bộ, nhân viên phục vụ 100 giường bệnh.
Trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn và trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn của giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, từ lần đầu xuất quân trong chiến dịch Biên giới cho đến chiến dịch Điện Biên, các chiến sỹ áo trắng của bệnh viện đã dũng cảm, vượt qua mọi gian nan thử thách, không sợ hy sinh, vừa cứu chữa thương bệnh binh, vừa tham gia chiến đấu. Các chiến sỹ áo trắng đã tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều phương pháp mới xử trí thành công nhiều vết thương phức tạp, góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức mạnh chiến đấu cho bộ đội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo quân y.
Năm 1954, hòa bình lập lại, Bệnh viện về thủ đô Hà Nội tiếp quản Bệnh viện Đồn Thủy (Lanessan) của quân đội viễn chinh Pháp (tại vị trí hiện tại của bệnh viện).
Ngày 12/6/1956, phân Viện 8 chính thức đổi tên thành Quân y Viện 108, được giao nhiệm vụ là bệnh viện tuyến cuối của toàn quân, với biên chế 529 cán bộ nhân viên và tăng khả năng thu dung từ 100 lên 600 giường. Năm 1960, Quân y Viện 108 được đổi tên thành Viện Quân y 108.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện lực lượng cán bộ chuyên môn cho các đội điều trị ở chiến trường miền Nam. Không quản hy sinh, gian khổ, các y bác sỹ của bệnh viện đã hăng hái lên đường ra mặt trận chiến đấu, phục vụ thương bệnh binh trên các chiến trường và nhiều người đã có mặt trong đội hình hành quân thần tốc của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến về giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Nhiều tập thể và cá nhân của bệnh viện đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và rất nhiều tấm gương hy sinh anh dũng khác đã góp phần xây dựng nên truyền thống hào hùng và vinh quang của Viện Quân y 108 anh hùng.
Thập kỷ đầu tiên sau mùa xuân đại thắng năm 1975, hàng ngàn thương binh, bệnh binh trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và từ chiến trường của 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở 2 đầu biên giới đã được đưa về điều trị tại bệnh viện.
Nâng cao toàn diện chất lượng khám bệnh
Bước vào thời kỳ đổi mới, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không ngừng được đầu tư về mọi mặt, cả về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị kỹ thuật, trở thành bệnh viện đa khoa, chuyên khoa sâu tuyến cuối toàn quân. Năm 1995, Viện Quân y 108 được đổi tên thành Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và sử dụng cho đến ngày nay.
Những năm gần đây, bệnh viện liên tục đổi mới và cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, thu dung điều trị, tạo những điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám chữa bệnh. Bệnh viện thực hiện đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, nâng cao toàn diện chất lượng khám bệnh, đặc biệt là khu khám bệnh cán bộ cao cấp và cán bộ cấp tướng tại khoa khám bệnh cán bộ cao cấp được cải tiến và tạo những điều kiện thuận lợi tối đa cho các tướng lĩnh và cán bộ cao cấp, lão thành cách mang đến khám và điều trị.
Bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị người bệnh, có những kỹ thuật mũi nhọn đạt tầm khu vực và quốc tế. Bệnh viện tự hào là một trong những trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong các lĩnh vực như: Chấn thương chỉnh hình; kỹ thuật vi phẫu trong tạo hình thẩm mỹ, kỹ thuật mổ nội soi 1 lỗ; kỹ thuật gây tắc mạch xạ trị Y90 điều trị ung thư gan…
Đặc biệt, các y bác sỹ của bệnh viện thực hiện thành công nhiều ca ghép mô tạng, đã triển khai nhiều kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người như: Ghép tế bào gốc, ghép tủy, ghép giác mạc, ghép thận thường quy, ghép gan từ người cho sống, lấy-ghép đa phủ tạng từ người cho chết não...
Tháng 1/2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức thực hiện thành công lần đầu tiên ghép chi thể từ người cho sống và tháng 9/2020 thực hiện thành công ca ghép 2 cẳng tay từ người cho chết não đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.
Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã thực hiện được 316 ca ghép mô tạng; trong đó có ghép thận, ghép gan, ghép tủy, ghép tế bào gốc... thường quy, thực hiện thành công 3 ca ghép phổi từ người cho chết não; 2 ca ghép chi thể, góp phần nâng cao vị thế, trình độ của đội ngũ thầy thuốc bệnh viện lên ngang khu vực và thế giới.
Điểm sáng về công tác dân vận
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 luôn là điểm sáng trong toàn quân về công tác dân vận và thực hiện chương trình kết hợp quân dân y. Bệnh viện đã tổ chức nhiều đoàn công tác về với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa và các địa phương khó khăn nhất trên địa bàn cả nước. Trong 10 năm qua, các bác sỹ của bệnh viện đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 120.000 người, phẫu thuật nhân đạo cho gần 3.000 trẻ em khuyết tật hàm mặt; phẫu thuật thay khớp miễn phí cho gần 500 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; mổ mắt miễn phí cho gần 1.700 bệnh nhân.
Các cán bộ của bệnh viện đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thu đô hàng năm tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.
Hàng năm, các bác sỹ của bệnh viện cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo quân y trên đảo Song Tử Tây-Quần đảo Trường Sa. Các y bác sỹ đã tổ chức khám, cấp cứu, điều trị kịp thời cho 10.544 lượt cán bộ chiến sĩ và ngư dân trên đảo, trong đó có 5.571 quân nhân, 2.089 người dân, 2.891 ngư dân; cấp cứu 207 ca, phẫu thuật 131 ca, đảm bảo tốt sức khỏe cho bộ đội và ngư dân trên đảo yên tâm bám biển, góp phần làm ngời sáng lên một Trường Sa bất khuất, anh hùng.
Đặc biệt, năm 2014 Bệnh xá Song Tử Tây của Bệnh viện đã giúp đỡ, đón chào công dân đầu tiên của Việt Nam được sinh ra trên đảo. Bệnh viện luôn duy trì huấn luyện thường xuyên các đội phẫu thuật cứu chữa cơ bản, đội cấp cứu, kip mổ bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác, tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Tổ chức liên hợp quốc thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Nam Xu Đăng…
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của bệnh viện trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định về việc ban hành biểu tổ chức biên chế nhằm xây dựng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thành Trung tâm y tế hàng đầu của quân đội và cả nước, mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm kết nối và hợp tác, đối ngoại quốc phòng của khu vực và quốc tế./.
Với bề dày 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển đã lập nhiều thành tích, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:
Bệnh viện 3 lần được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh Hùng bao gồm: 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước (năm 1985 và năm 2018); 1 lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” (năm 2020).
- Huân chương Sao vàng 2010
- Huân chương Hồ Chí Minh năm 2001
- Huân chương Độc lập hạng nhất năm 1989
- Huân chương Quân công hạng hai, hạng ba
- Huân chương Chiến công hạng nhất, hạng nhì, hạng ba
- Huân chương Độc lập của Nhà nước Lào 10 đơn vị trực thuộc BV được tuyên dương Anh hùng LLVTND và nhiều loại Huân, Huy chương, cờ thi đua các loại của Đảng, Nhà nước, Quân đội…