Bệnh viện Chợ Rẫy báo cáo khẩn Bộ Y tế về 5 trường hợp ăn cá chép muối ủ chua bị ngộ độc
Ngày 20.3, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về 5 trường hợp bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, trong số 5 bệnh nhân trên có 3 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum nặng phải sử dụng thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), 2 trường hợp còn lại nhẹ hơn đang tiếp tục theo dõi sát tình trạng để quyết định có sử dụng BAT hay không.
Trong 3 trường hợp nặng, bệnh nhân H.V.Đ. (57 tuổi, ngụ xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) là nặng nhất. Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân này vẫn còn thở máy.
Theo đó, đến ngày 20.3, bệnh nhân Đ. vẫn còn lơ mơ, tiếp tục dùng an thần; mạch 70 lần/phút; nhiệt độ: 39 độ C; huyết áp: 120/70 mmHg; SpO2 98%; thở máy mode AC/VC: VT 400 ml; FiOa 30%; RR 18 1/p; cơ lực 2 bên cải thiện hơn, sức cơ 3/5. Kết quả cận lâm sàng cho thấy, pH 7.385; PCO2 38.4 mmHg; PO2 124.8 mmHg; CRP 69.8 mg/dL; ure 4.1 mmol/L; creatinine 59 mcmol/L. Tiên lượng đối với bệnh nhân này còn dè dặt.
Các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân Đ. có cải thiện sau 20 giờ truyền thuốc giải độc. Tình trạng sức cơ bệnh nhân có cải thiện nhưng còn phụ thuộc máy thở. Hiện tại viêm phổi liên quan thở máy đã chuyển đổi kháng sinh hướng viêm phổi bệnh viện. Tuy nhiên, kháng sinh hướng điều trị nhiễm khuẩn đa kháng tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam không đủ nên bác sĩ đã đề nghị bệnh viện này báo cáo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam.
Đối với bệnh nhân H.T.Đ. (26 tuổi, ngụ tại xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), các bác sĩ đánh giá đây là bệnh nhân bị ngộ độc nặng, có cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc, có khả năng khởi động cai máy thở. Tình trạng sức cơ bệnh nhân có cải thiện, đang chuyển sang chế độ thở áp lực dương liên tục (CPAP) để bệnh nhân tự thở, kế hoạch cai máy trong 1-2 ngày tới.
Hiện bệnh nhân này tỉnh, tiếp xúc được, thực hiện được y lệnh, đã ngưng an thần; mạch 85 lần/phút; nhiệt độ: 37 độ C; huyết áp: 130/80 mmHg; SpO2 99%; nuốt được, mở miệng 4cm; cơ lực 2 bên 4/5. Kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân này cho thấy, pH 7.392; PCO2 49.7 mmHg; PO2 69.8 mmHg; CRP 49.7 mg/dL; ure 4.4 mmol/L; creatinine 60 mcmol/L. Bệnh nhân được tiên lượng khá.
Riêng bệnh nhân H.T.T. (37 tuổi, ngụ xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) được đánh giá là hồi phục tốt nhất trong 3 bệnh nhân nặng phải sử dụng thuốc giải độc BAT. Bệnh nhân đã cai máy thở và rút ống nội khí quản vào sáng nay. Các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi sát hô hấp sau rút ống nội khí quản.
Hiện bệnh nhân này tỉnh, tiếp xúc được, thực hiện được y lệnh, đã ngưng an thần; mạch 70 lần/phút; nhiệt độ: 37 độ C; huyết áp: 140/80 mmHg; SpO2 100%. Bệnh nhân thở oxy qua mask 5L/p; nuốt được, mở miệng 5cm; cơ lực 2 bên 4/5. Kết quả lâm sàng cho thấy, pH 7.422; PCO2 24.7 mmHg; PO2 161.9 mmHg; CRP 93.3 mg/dL; ure 3.8 mmol/L; creatinine 47 mcmol/L.
Trong khi đó, 2 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum nhẹ, không phải sử dụng thuốc giải độc BAT là H.T.M (24 tuổi) và H.T.Ch. (12 tuổi, cùng ngụ ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) đều có tiến triển ổn định, hiện sức bình thường, ngưng thở oxy, ăn qua miệng.
Trước đó, tại tỉnh Quảng Nam đã xảy ra các vụ ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua khiến 10 người nhập viện cấp cứu, trong đó có 1 người đã tử vong. Ngay sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn cho các ca ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam. Qua hội chẩn trực tuyến khẩn cấp, bác sĩ đánh giá khả năng rất cao bệnh nhân đã bị ngộ độc Botulinum.
Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức đến Quảng Nam; trong đó có TS-BS Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới), BSCK2 Trần Thanh Linh (Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - ICU) cùng dược sĩ Nguyễn Trọng Lộc (khoa Dược).
Các chuyên gia mang 5 lọ thuốc giải độc Botulinum của Bệnh viện Chợ Rẫy ra Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Đây là các loại thuốc giải độc rất quý hiếm, giá khoảng 8.000 USD/lọ.