Bệnh viện đa khoa Quảng Nam triển khai chương trình quản lý bệnh nhân suy tim

Bệnh viện đa khoa Quảng Nam ra mắt Chương trình quản lý bệnh nhân suy tim, giúp bệnh nhân có cơ hội được tiếp cận với phác đồ điều trị tối ưu hiện nay trên thế giới.

Chiều 6-9, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Quảng Nam tổ chức hội thảo Tối ưu hóa điều trị bệnh nhân suy tim, ra mắt chương trình quản lý bệnh nhân suy tim tại BVĐK Quảng Nam và phòng khám quản lý bệnh nhân suy tim.

Những con số đáng quan tâm

Ông Nguyễn Ngọc Văn Khoa, Phó Giám đốc BVĐK Quảng Nam, chia sẻ suy tim là một trong những bệnh có tỉ lệ tử vong cao. Nghiên cứu cho thấy, 15-20% bệnh nhân nhập viện vì suy tim, tỉ lệ tử vong đến 15%.

 Chương trình quản lý bệnh nhân suy tim giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: TN

Chương trình quản lý bệnh nhân suy tim giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: TN

“Đó là những con số rất đáng quan tâm, lãnh đạo bệnh viện đau đáu nhiều năm làm sao để quản lý bệnh nhân suy tim, cải thiện cuộc sống và kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân”, ông Khoa nói về lý do cần phải có chương trình quản lý bệnh nhân suy tim.

Hiện tại, ước tính có 38 triệu người đang sống cùng và chịu các tác hại không ít do suy tim mang lại khắp thế giới. Mỗi năm có hơn 1 triệu bệnh nhân phải nhập viện liên quan đến suy tim...

Bệnh nhân suy tim tiên lượng kém, có 5 -10% bệnh tử vong trong thời gian nằm viện, 15% sẽ mất trong khoảng thời gian 3 tháng và hơn 50% sẽ chết trong vòng 5 năm kể từ khi bắt đầu nhập viện lần đầu.

Tại Việt Nam, bệnh nhân suy tim nhập viện và tái nhập viện lần lượt là 15% và 7%, thời gian nằm viện trung bình vào khoảng 9 ngày, tử suất cho bệnh nhân nội viện là 7% và trong vòng 30 ngày sau xuất viện là 2-3%.

Chi phí hàng năm ước tính dành cho mỗi bệnh nhân suy tim là 1.000 đô-la cho điều trị nội trú tại bệnh viện.

Tỉ lệ tử vong cao hơn một số bệnh ung thư

Trình bày tại hội thảo, PGS.TS - BS Nguyễn Tá Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế, cho hay suy tim là vấn đề sức khỏe toàn cầu và có xu hướng ngày càng tăng. Trong 5 năm kể từ khi phát hiện, suy tim gây tử vong nhiều hơn một số bệnh ung thư.

 PGS.TS - BS Nguyễn Tá Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế .Ảnh: TN

PGS.TS - BS Nguyễn Tá Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế .Ảnh: TN

Theo PGS.TS Nguyễn Tá Đông Đông, suy tim với diễn biến tự nhiên, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân giảm dần, tần suất nhập viện và nguy cơ tử vong gia tăng theo thời gian. Chi phí y tế của bệnh nhân suy tim tại việt Nam khoảng 15 tỉ mỗi năm.

Hiện có hơn 20 bệnh viện trên toàn quốc triển khai chương trình quản lý bệnh nhân suy tim.

Bác sĩ CKII Nguyễn Lương Quang, Trưởng khoa Nội tim mạch BVĐK Quảng Nam, cho hay suy tim có 4 giai đoạn. Bệnh nhân suy tim có tỉ lệ tử vong rất cao, kỳ vọng sống thấp nhất trong các bệnh lý tim mạch, kể từ thời điểm phát hiện mắc bệnh 2 năm.

Ngoài ra, bệnh nhân suy tim có chất lượng sống rất kém, có triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, thường xuyên nhập viện. Hiện nay, điều trị suy tim nhằm mục đích cải thiện tỉ lệ tử vong, giảm tỉ lệ nhập viện và cải thiện cuộc sống.

Theo bác sĩ Nguyễn Lương Quang, trước đây bệnh nhân gặp khó trong việc tiếp cận bác sĩ chuyên khoa, không tuân thủ điều trị, nhận thức về bệnh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, thực trạng quản lý suy tim còn nhiều vấn đề như: Chẩn đoán chưa rõ ràng, điều trị chưa tối ưu theo phác đồ nội khoa, dụng cụ hỗ trợ, điều trị nguyên nhân chưa sâu, theo dõi ngoại trú hạn chế…

Bác sĩ Nguyễn Lương Quang cho hay Chương trình quản lý bệnh nhân suy tim giúp bệnh nhân có cơ hội được tiếp cận với phác đồ điều trị tối ưu hiện nay trên thế giới.

Chương trình giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân suy tim, giảm tỉ lệ tử vong và tái nhập viện, đồng thời giúp cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối tại Bệnh viện Đa Khoa Quảng Nam tiếp cận các phương pháp điều trị tối ưu như ghép tim, thiết bị hỗ trợ thất....

Chương trình quản lý bệnh nhân suy tim còn giúp giảm chi phí điều trị thông qua việc giảm tái nhập viện, giảm công chăm sóc của người nhà, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân suy tim, giảm gánh nặng cho xã hội...

 Theo BS CKII Nguyễn Lương Quang, Chương trình quản lý bệnh nhân suy tim giúp bệnh nhân có cơ hội được tiếp cận với phác đồ điều trị tối ưu hiện nay trên thế giới. Ảnh: TN

Theo BS CKII Nguyễn Lương Quang, Chương trình quản lý bệnh nhân suy tim giúp bệnh nhân có cơ hội được tiếp cận với phác đồ điều trị tối ưu hiện nay trên thế giới. Ảnh: TN

“Điều quan trọng nhất là từ chương trình này, những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối tại BVĐK Quảng Nam được hòa vào chương trình cấy ghép tạng quốc gia, để bệnh nhân được có cơ hội sử dụng các thiết bị hỗ trợ, cũng như được cấy ghép tim nếu có cơ hội”, bác sĩ Quang nói.

Suy tim là tình trạng bệnh lý phổ biến có khả năng tử vong cao. Suy tim còn ảnh hưởng lên chất lượng cuộc sống hơn các bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, thấp khớp, bệnh phổi mạn.

Ở các nước phát triển tỷ lệ bệnh toàn bộ của suy tim là khoảng 2,3% người lớn và tăng dần theo tuổi, ở người trên 65 tuổi tỷ lệ này là 6-10% và đến tuổi 80 thì đến 10-20% dân số bị suy tim với 35 tỉ đô-la chi phí chăm sóc y tế hằng năm.

THANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/benh-vien-da-khoa-quang-nam-trien-khai-chuong-trinh-quan-ly-benh-nhan-suy-tim-post808810.html