Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ thêm khoa tim mạch, khoa cấp cứu và trung tâm nha khoa
Sáng nay (14-3), Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ (thuộc Trường Đại học Nam Cần Thơ) ra mắt thêm khoa Tim mạch – Can thiệp tim mạch, khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, chống độc và Trung tâm Nha khoa Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ – Răng hàm mặt Sài Gòn.Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ bắt đầu hoạt động vào tháng 5-2022, gồm 200 giường bệnh và 29 khoa và các phòng chức năng. Tổng vốn đầu tư là 860 tỉ đồng. Bệnh viện với gần 300 cán bộ, nhân viên là các chuyên gia cố vấn, y bác sĩ, điều dưỡng, y tá đến từ các bệnh viện trong và ngoài nước.
Mục đích của việc thành lập này là góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đồng thời, đáp ứng nguồn nhân lực y tế đạt chất lượng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo PGS.TS. BS Đàm Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, khoa Tim mạch và Can thiệp tim mạch sẽ thực hiện việc chẩn đoán, điều trị các bệnh như đau ngực, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh van tim, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim, theo dõi bệnh tim bẩm sinh ở người lớn, dự phòng các bệnh tim mạch tiên phát và thứ phát…
Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, chống độc sẽ được ứng dụng những phương pháp, kỹ thuật tiên tiến để thực hiện lọc máu liên tục, thay thế huyết tương, lọc gan nhân tạo, lọc máu hấp phụ, đặt bóng đối xung động mạch chủ, đo cung lượng tim tại giường, trao đổi khí bằng màng ngoài cơ thể, hạ thân nhiệt chủ động, đặt máy tạo nhịp qua lòng mạch tạm thời…
Trung tâm Nha khoa Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ – Răng hàm mặt Sài Gòn chuyên về nghiên cứu, chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan về răng và khoang miệng như xương hàm, nướu, mạc mô, xương mặt và má. Trung tâm cũng điều trị các bệnh lý về nhiễm trùng răng, giúp vệ sinh răng miệng, kỹ thuật chỉnh nha cùng thực hành về phương pháp tháo lắp răng giả, phục hồi răng, thân răng, chỉnh hình răng hàm mặt.
Cùng với các chuyên khoa khác, ba đơn vị này sẽ phục vụ việc khám và điều trị nội trú cho bệnh nhân cả ngày và đêm.
Trao quyết định của Bộ Y tế thành lập hai khoa này, Bác sĩ Phạm Phú Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh: “Từ nay, người dân Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL sẽ được thụ hưởng các dịch vụ y tế tiên tiến mà không cần di chuyển lên tuyến trên. Điều này giúp giảm chi phí điều trị, thời gian đi lại của người bệnh và tiết kiệm chi phí y tế, chi phí xã hội.
Đây cũng là cơ sở học tập và thực hành để rèn luyện kỹ năng, cọ xát thực tế cho học viên, sinh viên đang theo học khối ngành sức khỏe tại Trường Đại học Nam Cần Thơ và các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành sức khỏe trên địa bàn thành phố Cần Thơ”.
Trao đổi với KTSG Online tại sự kiện này, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, chia sẻ: “Việc mở rộng hoạt động và phát triển của Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cũng là một phần của chủ trương xuyên suốt thuộc nhà trường, đó là “học phải đi đôi với hành”. Ngoài ra, mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học” này còn phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội cho vùng ĐBSCL”.
Bệnh viện cũng đã ký kết hợp tác với một số cơ sở khác như Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ. Đến năm 2027, đơn vị sẽ hoàn thiện giai đoạn 2 của kế hoạch là thêm 500 giường bệnh với kinh phí đầu tư để xây dựng tòa nhà 20 tầng và đầu tư cho các trang thiết bị khoảng 1.200 tỉ đồng.