Bệnh viện gian nan trên con đường phát triển du lịch y tế
Với hệ thống cơ sở y tế hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế, TPHCM có khả năng tiếp nhận bệnh nhân là khách du lịch cả trong và ngoài nước có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh. Tuy nhiên, để lĩnh vực du lịch y tế thực sự phát triển và đảm bảo chất lượng thì vẫn còn nhiều thách thức như ngôn ngữ giao tiếp của nhân viên y tế công lập còn hạn chế, khó khăn trong thủ tục hành chính, tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuyến cuối…
Giảm tình trạng quá tải: “Mission Impossible”?
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, hiện TPHCM có 128 bệnh viện, khoảng 8.000 phòng khám chuyên khoa và 3 bệnh viện đạt tiêu chuẩn chất lượng JCI (Tổ chức giám định chất lượng bệnh viện của Mỹ). Với lợi thế về cơ sở hạ tầng hiện đại, các chuyên gia y tế nhận định TPHCM có khả năng tiếp nhận nhiều bệnh nhân là khách du lịch cả trong nước và quốc tế có nhu cầu chữa trị, chăm sóc sức khỏe như nha khoa thẩm mỹ, điều trị bệnh hiếm muộn, tim, da liễu, y dược học…
Trao đổi với KTSG Online, bác sĩ Hồng Công Danh, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết để chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân sự và các dịch vụ cận lâm sàng, đơn vị lữ hành sẽ đặt lịch hẹn trước và thông báo số lượng du khách đến bệnh viện, giúp quá trình khám bệnh được thuận tiện trong ngày.
Khi đi theo tour du lịch y tế, du khách có thể đến bệnh viện khám cận lâm sàng vào buổi sáng, sau đó nghỉ dưỡng, tham quan các điểm du lịch tại TPHCM. Vào buổi chiều, du khách quay trở lại bệnh viện để nhận kết quả xét nghiệm và đội ngũ bác sĩ sẽ tư vấn ngay trong ngày để du khách có hướng điều trị phù hợp, bác sĩ Danh cho biết.
Đối với dịch vụ chữa bệnh và điều trị hiếm muộn, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, trước đây, quy trình điều trị rất dài nhưng hiện nay, bệnh viện đã cố gắng giảm thời gian xuống chỉ còn 15 ngày. Đặc biệt, trong tháng 9-2023, Bệnh viện Từ Dũ sẽ báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM để nghiệm thu chương trình trữ mô buồng trứng nhằm hỗ trợ phụ nữ bị ung thư buồng trứng. Cụ thể, bệnh viện đẩy nhanh hoạt động trữ mô trong ngày, không còn mất nhiều ngày như trước đây, chỉ thực hiện trong buổi sáng thì đến chiều đã có kết quả, sau đó tiến hành điều trị hóa chất cho bệnh nhân.
Với chương trình trữ mô buồng trứng này, “bé gái trước tuổi dậy thì vẫn có thể trữ mô buồng trứng để dự trù có thể xảy ra những bệnh tự miễn hoặc u buồng trứng trong tương lai, giúp trẻ có thể có con được. Qua công nghệ này, bệnh viện tự tin khẳng định có thể thu hút dòng khách từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào, Campuchia”, bác sĩ Danh chia sẻ.
Không chỉ lĩnh vực hiếm muộn và thụ tinh trong ống nghiệm, du lịch kết hợp làm nha khoa thẩm mỹ, da liễu, thực hiện kỹ thuật chuyên sâu, chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp đông y… đang là những lĩnh vực thế mạnh trong y khoa của nước ta với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng quá tải vẫn đang diễn ra ở một số bệnh viện tuyến đầu. Với thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng nếu đẩy mạnh thu hút du khách trong và ngoài nước đến du lịch kết hợp chữa bệnh, việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đảm bảo chất lượng dịch vụ sẽ trở thành “bài toán” đối với nhiều đơn vị y tế trên địa bàn TPHCM.
Nói về tình trạng trên, bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, cho biết mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân. Người dân và du khách thường phải chờ đợi khá lâu vì thủ tục hành chính có phần phức tạp. Vì vậy, hiện bệnh viện đang cố gắng xây dựng thêm trung tâm khám, chữa bệnh mới và đề nghị doanh nghiệp du lịch đặt trước lịch khám, chữa bệnh để sắp xếp nhân sự và dịch vụ.
Còn tại Bệnh viện Từ Dũ, đối với dịch vụ điều trị hiến muộn, đơn vị này có từng giai đoạn tiếp nhận nên các cặp vợ chồng đến khám và thực hiện xét nghiệm có thể quay trở về trong ngày. Mỗi bệnh nhân sẽ có chu kỳ, phác đồ riêng mà không phải ở lại bệnh viện. Dù ít xảy ra tình trạng quá tải giường lưu trữ bệnh nhân nhưng “Bệnh viện Từ Dũ cũng đã mở rộng khu điều trị hiếm muộn và khai trương thêm một khu IVF (PV: thụ tinh trong ống nghiệm) dành cho khách VIP. Ngoài ra, bệnh viện cũng có kế hoạch mở rộng cơ sở, đấu thầu hóa chất, vật tư tiêu hao… để điều trị cho bệnh nhân trong trường hợp lượng khách tăng cao”, bác sĩ Danh cho biết.
Cải cách thủ tục, đào tạo nhân sự chuyên nghiệp
Dù có nhiều thế mạnh về lĩnh vực y khoa nhưng so với ba nước láng giềng là Thái Lan, Singapore và Malaysia thì TPHCM vẫn còn nhiều mặt hạn chế để thu hút khách du lịch đến khám chữa bệnh.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngôn ngữ giao tiếp của nhân viên y tế các bệnh viện công lập còn hạn chế với người bệnh nước ngoài. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng chưa phát huy thế mạnh mô hình viện trường trong hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) và trong quảng bá nghiên cứu khoa học ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới… làm thế giới thiệu thông tin về sự phát triển của ngành y tế.
Ngoài ra, lãnh đạo các bệnh viện đầu ngành chưa chú trọng tham gia đánh giá chuẩn quốc tế và xếp hạng danh sách các bệnh viện chuyên khoa hàng đầu trên thế giới như top 100, top 300 hoặc 500. Đặc biệt, du lịch y tế dù chủ động nhưng chưa được chú trọng đúng mức, phát triển còn manh mún, đại diện ngành y tế TPHCM cho biết.
Nói về Thái Lan một trong những nước dẫn đầu trong khu vực về thu hút khách du lịch đến khám chữa bệnh, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết theo số liệu thống kê vào năm 2019, Thái Lan thu hút khoảng 3,4 triệu lượt khách du lịch y tế. Thái Lan được đánh giá là điểm đến du lịch y tế lớn nhất thế giới bởi Chính phủ nước này xem du lịch y tế là chính sách quan trọng trong cải tạo nguồn thu nên chú trọng đào tạo nhân lực chuyên sâu. Đối với ngành du lịch, các đơn vị du lịch cung ứng dịch vụ chuẩn 5 sao cho khách quốc tế, kết hợp hiệu quả y học hiện đại và cổ truyền. Đặc biệt, Thái Lan có giá dịch vụ thấp, dịch vụ điều trị cả gói, thủ tục nhập cảnh đơn giản cùng nhiều điểm du lịch hấp dẫn.
Còn tại Singapore, nước này chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng tiên tiến gồm bệnh viện, phòng khám và nó nhiều trung tâm nghiên cứu thu hút nhiều nhà khoa học. Cùng với đó, Singapore cũng tập trung nâng cao giáo dục nhân lực chất lượng cao, không ngừng đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng điều trị, ông Thượng cho biết thêm.
Với Malaysia, dù nằm trong top 3 trong việc thu hút khách du lịch đến khám chữa bệnh nhưng nhiều năm qua vẫn không thể vượt Thái Lan và Singapore về du lịch y tế. Nguyên nhân được cho là không cạnh tranh bằng hai nước còn lại bởi chi phí còn cao, gặp khó khăn về tổ chức cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh và thủ tục cho khách quốc tế phức tạp.
Như vậy, tiềm năng y khoa của nước ta nói chung và TPHCM nói riêng đã có. Tuy nhiên để thu hút và giữ chân khách quốc tế đang là bài toán đặt ra. Từ thực trạng hiện nay, đại diện ngành y tế TPHCM cho rằng thành phố cần chú trọng đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và kỹ thuật y tế chuyên sâu, du lịch y tế kết hợp y học hiện đại và cổ truyền. Song các đơn vị cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sáng tạo, thu hút nhà đầu tư y tế thế giới; đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giá dịch vụ y tế phải cạnh tranh.