Bệnh viện Trung ương Huế: 1.000 em bé ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đến thời điểm hiện tại, đã có 1.000 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Các em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm tại lễ kỷ niệm 10 năm triển khai kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, ngày 4/11. Ảnh: Mai Trang/TTXVN
Tháng 7/2008, 6 em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đánh dấu sự thành công trong kỹ thuật điều trị vô sinh tại Bệnh viện Trung ương Huế. Từ đó đến nay, Khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Trung ương Huế đã có nhiều bước tiến quan trọng, làm chủ được nhiều kỹ thuật trong hỗ trợ sinh sản như tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng phẫu tích từ tinh hoàn, mào tinh, trữ lạnh phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa, chuyển phôi trữ, hỗ trợ phôi thoát màng, thành lập ngân hàng tinh trùng…
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm hiện đạt khoảng 400 - 500 chu kỳ/năm, tỷ lệ thành công đạt từ 35 - 40%, giảm thiểu tối đa các biến chứng và không có quá kích buồng trứng.
Năm 2015, các quy định pháp luật về mang thai hộ chính thức được thông qua, có hiệu lực thi hành, cho phép ba trung tâm bước đầu thực hiện thí điểm thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ trong cả nước, trong đó có khoa hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Trung ương Huế. Và em bé đầu tiên đã ra đời từ thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ tại Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 28/7/2016, nặng 3.500 gram, mang lại niềm vui cho vợ chồng anh Lê Thanh Ân và chị Nguyễn Thị Thuần khi có con nhờ mang thai hộ.
Tháng 4/2016, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế ký quyết định thành lập khoa hỗ trợ sinh sản. Đến nay, khoa hỗ trợ sinh sản đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, bao gồm tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng phẫu tích từ tinh hoàn, mào tinh, thụ tinh trong ống nghiệm - xin trứng, trữ lạnh phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa, chuyển phôi trữ, hỗ trợ phôi thoát màng, ngân hàng tinh trùng, thụ tinh trong ống nghiệm - mang thai hộ…
Đến nay, sau 10 năm triển khai các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đã có 1.000 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Trung ương Huế. Khoa hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã thực hiện bảy trường hợp mang thai hộ, trong đó có năm trường hợp có thai và đến nay đã có 3 cháu bé ra đời khỏe mạnh.
Trong tương lai, Khoa hỗ trợ sinh sản - Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế (Bệnh viện Trung ương Huế) sẽ tiếp tục bảo tồn chức năng sinh sản: Bảo quản tinh trùng, trứng và phôi cho các bệnh nhân ung thư trước lúc quyết định điều trị; hướng đến thành lập Trung tâm hỗ trợ sinh sản miền Trung thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.