Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tạo niềm tin trong lòng người bệnh
Đến nay, ngành Y tế Đà Nẵng đã thực hiện thành công cấy ghép tế bào gốc tự thân, thực hiện kỹ thuật lấy huyết khối trong điều trị nhồi máu não cấp tính, ứng dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo…
Sau 1 thời gian điều trị, bệnh nhân Trần Thị My Sa, ở thành phố Đà Nẵng chuẩn bị được xuất viện sau ca phẫu thuật bóc tách khối u vú. Chị Sa năm nay 36 tuổi, là nhân viên y tế làm việc cho 1 bệnh viện tư ở Đà Nẵng. Cách đây mấy tháng, khi đi khám bệnh định kỳ thì chị được phát hiện mắc bệnh ung thư vú. Lúc này, Sa và gia đình đã lên kế hoạch đi TP.HCM điều trị. Thế nhưng, sau khi tham khảo ý kiến đồng nghiệp, chị quyết định vào điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Chị Trần Thị My Sa được điều trị ở gần nhà, gia đình có điều kiện chăm sóc tốt: “Lúc đầu tôi cũng định đi Sài Gòn nhưng sau cũng khám, tìm hiểu thì ở đây có bác sỹ Quý (Giám đốc Bệnh viện) nên tôi tin tưởng và lên đây nhập viện. Tôi được các bác sĩ tư vấn cho ổn định tâm lý. Tôi đã lựa chọn bệnh viện ung bướu này vì các bác sĩ rất giỏi, bây giờ kỹ thuật máy móc rất tốt rồi nên tôi rất tin tưởng điều trị tại đây”.
Cách đây 5 - 7 năm về trước, khi nghi ngờ mắc bệnh ung thư, người dân Đà Nẵng nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung đều đến TP.HCM điều trị. Việc phải đi xa, ở lại điều trị lâu ngày, bệnh nhân vừa mệt mỏi về tinh thần, vừa tốn nhiều chi phí. Bây giờ, người bệnh ung thư đã tìm đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Những năm gần đây, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng có nhiều chính sách thu hút các bác sĩ đầu ngành, sinh viên giỏi về làm việc. Bệnh viện thường xuyên cử bác sĩ đi tu nghiệp, tiếp cận công nghệ hiện đại, cập nhật phác đồ điều trị bệnh ung thư. Bác sĩ Trần Thị Như Quỳnh vừa được đào tạo chuyên sâu về ung thư sản phụ khoa còn nhiều trăn trở khi bệnh viện này còn thiếu kinh phí để mua sắm máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư.
“Các bác sĩ trong bệnh viện cũng như cá nhân tôi đã cố gắng rất nhiều trong học tập và nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ cho công tác điều trị. Mọi người đều mong muốn sẽ được tiếp cận với nền y khoa quốc tế. Về trang thiết bị thì Lãnh đạo Bệnh viện cũng như Sở Y tế, các bộ ngành có thể giúp đỡ để bệnh viện có trang thiết bị hiện đại hơn để điều trị bệnh nhân được tốt hơn”, bác sĩ Trần Thị Như Quỳnh cho hay.
Hiện nay, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng có khoảng 580 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 130 bác sĩ. Bệnh viện này có quy mô khoảng 650 giường bệnh nhưng có thời điểm phải điều trị tới cả ngàn bệnh nhân. Đội ngũ y, bác sĩ nơi đây không ngừng học hỏi, tiếp cận những tiến bộ của y khoa trong điều trị ung thư. Bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên (còn gọi là ghép tủy). Về phẫu thuật, bệnh viện cũng áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong phẫu thuật lồng ngực điều trị ung thư phổi, tiêu hóa, vú và đi đầu trong điều trị ung thư sản phụ khoa…
Bác sĩ CK II Trần Tứ Quý, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho rằng, trọng trách trở thành bệnh viện tuyến cuối làm cho đội ngũ cán bộ y bác sĩ ở đây không ngừng nỗ lực vươn lên: “Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng sẽ đóng vài trò là tuyến cuối về chăm sóc, điều trị cho ung thư cả khu vực Nam miền Trung. Bệnh viện cũng xây dựng Đề án trung tâm tầm soát ung thư tôi theo đuổi từ năm 2018 tới nay và thành phố cũng đưa vào kế hoạch phát triển y tế chuyên sâu”.
Thành phố Đà Nẵng đang quyết tâm từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành Trung tâm y tế chất lượng cao của khu vực. Thời gian vừa qua, hàng loạt công trình, dự án về y tế được thành phố Đà Nẵng quan tâm đầu tư xây dựng như: Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình; Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đưa vào hoạt động Trung tâm tim mạch với nhiều trang thiết bị hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng trở thành Trung tâm y tế chất lượng cao của khu vực là tất yếu, nhưng để đạt được điều đó, lãnh đạo thành phố và ngành Y tế cần chú trọng hơn nữa trong đầu tư trang thiết bị và quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực.
“Xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm y tế chất lượng cao theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị để phát triển Vùng là điều tất yếu. Trong chất lượng cao đó, lĩnh vực ung bướu đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách và chúng ta phải đầu tư về trang thiết bị và nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ y bác sĩ, nhất là trong chẩn đoán ở trình độ cao. Chúng ta muốn trở thành một Trung tâm y tế chất lượng cao thì công tác phát hiện, chẩn đoán, điều trị là yêu cầu có tính chất sống còn”, ông Nguyễn Văn Quảng cho hay./.