Bếp lửa mùa đông
Có lẽ từ xa xưa ở tất cả các làng quê trên đất nước Việt Nam, trong mái nhà nào cũng đều có gian bếp thân thương, nơi lưu giữ bao kỷ niệm tuổi thơ. Làng quê thuần nông vùng trung du nơi tôi sinh ra cũng như vậy.
Đặc biệt là những ngày mùa đông giá lạnh, khi ngoài trời từng cơn gió lạnh, cộng với mưa phùn gió bấc. Những lúc như vậy, nếu ai không có việc phải đi ra ngoài, thì chỉ muốn ngồi ở quanh bếp lửa nhà mình để cùng hàn huyên những câu chuyện về cuộc sống xung quanh.
Tôi còn nhớ những ngày thơ ấu đó, bắt đầu vào tháng 10 Dương lịch, vào mùa thu hoạch sắn là nội và mẹ tôi lại cặm cụi gom từng gốc sắn, đã được phơi khô chất thành từng đống. Có khi cả những bẹ cọ quanh đồi, nội bảo những thứ này đến mùa đông thì giữ lửa phải biết. Vào mỗi buổi sáng, mẹ dậy sớm hơn chuẩn bị cho chị em tôi ăn sáng để kịp đi học, thì chúng tôi đã mỗi đứa một góc, ngồi sưởi ấm và chia nhau từng bắp ngô hoặc củ khoai nướng mà nội đã kịp vùi vào bếp để ăn cho ấm bụng. Rồi lại xuýt xoa với bát nước vối nội ủ từ đêm qua.
Để giữ lửa được suốt ngày trong bếp, bố tôi đã đắp hẳn một chiếc bếp lò kiểu thủ công hình chữ U mở ra 2 bên. Ở trên bếp lúc nào cũng có nồi cám cho chú lợn ỉn ăn ngày 3 bữa, bên cạnh lúc nào cũng có chú mèo lười vùi mình vào bếp tro. Buổi chiều muộn đi học về tôi lại sà vào lòng bà, lấy bàn tay đầy hơi ấm của bà áp vào má tôi, cho bớt lạnh và nhe hàm răng sún. Bà lại lấy que cời đống than bên cạnh, trong đó tôi biết chắc sẽ có củ khoai, bắp ngô hoặc mẩu sắn nướng. Có hôm là mẻ lúa nếp rang để tối chị em tôi vừa học bài vừa cắn chắt.
Buổi tối sau bữa cơm đầm ấm được ăn tại bếp, với chiếc đài bán dẫn đưa tin về thời tiết của mùa đông, bà nội, bố mẹ tôi và đôi khi lại có mấy cô, bác hàng xóm sang góp vui câu chuyện về mùa màng, về thôn xóm. Những năm giáp Tết mà trời vẫn rét thấu xương, mẹ phải tranh thủ đi vơ cỏ ruộng vào ban trưa và về trước 4 giờ chiều. Có hôm quá giờ chị em tôi đợi bố mẹ đi làm về trong thắc thỏm, chỉ thương mẹ vất vả dầm sương dãi nắng. Dáng mẹ siêu siêu đổ vào vách bếp, thấy mẹ người ướt sũng, run cầm cập. Tôi đỡ cái giỏ buộc bên người mẹ xuống, thế là tối nay nhà mình lại có món ốc mà mẹ đã tranh thủ mò bắt ở con ngòi cạnh ruộng. Mẹ ngồi luôn bên bếp lửa, hơ bàn tay nhăn nheo cho đỡ lạnh. Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua tuy còn thiếu thốn nhiều thứ về vật chất nhưng lúc nào cũng ấm cúng.
Những ngày thơ bé rồi cũng qua đi, cuộc sống có nhiều đổi khác, tuy vẫn là căn bếp ấy nhưng bố tôi đã sửa sang và thay vào đó là bếp ga, bếp điện. Bây giờ, sau mỗi lần nấu ăn, tôi tắt bếp ga và cảm nhận không khí lành lạnh lập tức tỏa ra không gian nhỏ của căn nhà. Không riêng tôi, có lẽ khói bếp quê nhà ngày xưa vẫn còn vương vấn tâm hồn mỗi người, vì sự ấm cúng khác thường ấy của... củi lửa mùa đông và chợt thấy chạnh lòng khi nhớ về căn bếp xưa. Nơi có ngọn lửa ngày đông bập bùng của một thời khó khăn mà đầm ấm, chợt mắt cảm thấy cay cay.
Tản văn của Nguyễn Trung Thành
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/396170/bep-lua-mua-dong.html