Bếp lửa ngày Tết

'Bếp lửa ngày Tết' của Từ Kế Tường gợi lên hơi ấm của sự đoàn tụ, sum vầy. Trong hơi ấm của lửa, của mùa xuân, những khát vọng yêu thương cũng được nhen nhóm.

Góc sân thơm mùi cỏ

Lửa bén vào hương đêm

Mùi hoa se se gió

Thơm lặng vào tiếng chim

***

Khói bếp cay nồng mắt

Tóc mai ướt sợi dài

Mùa xuân bay lất phất

Rơi thầm vạt áo ai

***

Ta với trời khuya vắng

Em đáy mắt long lanh

Cội mai vàng thinh lặng

Chờ khai nhụy đầu cành

***

Nồi bánh thơm chín tới

Mẹ cười xanh chéo khăn

Thời gian như sương khói

Khua rộn trước thềm sân

***

Bếp lửa hồng thêm tuổi

Tay ấm mở bình minh

Cho em cành lộc mới

Non tươi một cuộc tình.

Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm

Bài thơ Bếp lửa ngày Tết của Từ Kế Tường viết bằng thể năm chữ, đọc lên ta có cảm giác như làn hơi ấm đang tỏa ra từ bếp lửa ngày xuân, như thoáng hương se sẽ trong đêm, như những vương vấn âm thầm trên nếp áo…

Xuân sang, ấp ủ trong đất trời và lòng người một nhịp sống mới. Nụ mai e ấp đầu cành, là em đấy. Dưới vuông khăn tần tảo, trong mùi bánh chín tới, có phải là những ấp iu đợi chờ của mẹ? Tay ấm bên lửa hồng nhen nhóm giấc mơ về một ngày xuân non tươi, đấm ấm. Có phải là chúng mình đấy không?

Một trong những nét đặc thù dễ nhận ra của thể thơ năm chữ là nhịp điệu nhanh và liên tục. Mỗi câu - dòng thơ thường là một nhịp, không bị ngắt nghỉ, chính vì thế cảm xúc tỏa ra một cách tự nhiên. Do tính liên tục và khá nhanh này, thể thơ năm chữ thường có xu hướng gọi vần nên giàu nhạc tính. Bài thơ của Bếp lửa ngày Tết mang được khí hậu ấy của thể thơ.

Từ Kế Tường

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bep-lua-ngay-tet-post1181961.html