Bếp nhà sàn của mẹ

Bản của tôi nằm dưới những quả đồi chè lúp xúp như mâm xôi xanh đơm đầy. Ở đó, nhà sàn 'mọc' lên, sân cách sân là bờ đá, ngọn tre cắm cho bầu bí leo, mồng tơi từng chùm tím ngắt. Khi cánh hoa mận trắng rải đầy con đường lún phún bụi mưa, người người rủ nhau đi chợ phiên. Lồng gà thiến, can rượu ngô men lá, cuộn dong xanh từng tàu theo bước chân ngược xuôi là lúc Tết về.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mẹ nổi lửa, bắc chảo gang rang gạo nếp làm bột bánh khảo, chè lam, làm bỏng Thúc théc. Mấy nhà sàn đụng một con lợn tạ, vài chục kí thịt trâu tươi. Mẹ tẩm tẩm, ướp ướp, chẻ lạt xâu. Nồi nước luộc sôi sùng sục. Bếp lửa nhà sàn thức đỏ mắt đợi từ ngày này sang ngày khác. Bồ hóng nhánh trên mái, trên cột. Tôi thức cùng mẹ chỉ để ngắm nghía những gia vị của núi rừng, hít hà hương của bột bánh, gừng núi, mác mật khô, thảo quả, hạt tiêu, thỉnh thoảng đưa tay dụm củi cho ngọn lửa bừng lên nóng hai má hoặc nhúm chút vừng rang thơm lựng bỏ vào miệng.

Củi đun bếp thường lấy từ núi đá, vạt rừng. Cành nghiến vàng ruộm rắn chắc, cành dã hương giòn chảy nhựa thơm, mùi quế còn nguyên tinh dầu. Nhưng thích nhất là đun quả thông khô. Nó cháy ra than rực thành bông hoa lửa, tỏa sức nóng làm sôi siêu nước, ấm đôi bàn tay, săn quả ngô nướng trước khi lụi tàn tro trắng bay. Chiếc kiềng ba chân đen bóng đứng vững cùng thời gian. Nó nhỏ bé nhưng đủ sức nâng biết bao nồi bánh chưng, bốn mùa thổi cơm ngon canh ngọt. Củ sắn lùi, thịt nướng gác mình lên nó, nóng hôi hổi, đánh thức cái bụng đói mỗi khi tôi đi học hay chăn trâu về.

Thường thì cơn buồn ngủ đưa tôi đến chiếc giường có chăn thổ cẩm khi công việc của mẹ còn dở dang cùng bếp lửa. Pa kể: Người Tày có bếp lửa đặt giữa nhà sàn làm nơi sinh hoạt chung. Bếp lửa duy trì hơi ấm và hạnh phúc của gia đình. Xưa, bếp xua thú dữ, chống rét ngày đại hàn. Nay, bếp vẫn thiêng liêng. Sáng ba mươi Tết, tôi thức dậy thấy sương mù kéo bầu trời chạm đất. Lòng bàn chân đặt lên dát nứa lát sàn mát lạnh như kem. Cơn gió thổi qua lớp lá cọ khiến cơ thể run rẩy trong tấm áo bông. Cánh mận trắng mỏng manh rải đầy vườn, vương cả lối đi dọc bờ rào đá. Tôi tìm đến gian bếp của mẹ. Bánh chưng vuông treo trên sào. Chè lam, bánh khảo gói thành từng phong xanh đỏ tím vàng xếp hàng trong rổ. Lạp sườn hun bã mía vàng rộm từng xâu xen với thịt trâu gác bếp. Hương của gừng đá, mác khén, mác mật thơm lừng. Miến dong đã khô búi thành cuộn, sợi trong veo. Thằng em ướm thử bộ quần áo mới, xoay đi xoay lại cho mọi người cùng ngắm. Đến khi hơi lạnh ngấm vào da, nó rúc đầu vào lòng mẹ như con mèo con tìm bú khiến cả nhà trêu cười. Trông nó đã lớn hơn nhiều.

Bếp nhà sàn của mẹ không những ấm, no mà còn vui nữa. Khi các bà cầm đàn tính lên bậc cầu thang là tiếng hát đã ngân da diết. Mẹ thường ngày ít hát. Nhưng khi nghe tiếng đàn, có bạn ngồi chung là ngón tay đưa thoăn thoắt trên dây tơ, giọng ngân cao vút. Tôi ngồi nghe củi nổ tí tách, tiếng nhạc tình tang mà thấy bình yên. Mẹ tiễn bạn ra cổng và quay vào xoa đầu tôi. Truyện thơ cổ người Tày được bà ngoại truyền lại qua lời mẹ kể từng câu dõi theo Tang Tử thử lòng vợ, Nam Kim Thị Đan chung thủy tình yêu, đàn con không nghe lời mẹ phải lên rừng hóa khỉ...

Đi học, đi làm, thành phố khiến tôi bận rộn. Tháng ngày trôi nhanh cùng công việc. Thỉnh thoảng, được ra ngoại thành chơi nhưng bếp ở những nơi đó bếp ga, bếp than thịnh hành đa số. Hiếm hoi bắt gặp gian bếp củi thì vắng hoe, bồ hóng kết bóng còn không có. Đợi chờ có dịp trở về như đứa trẻ ngóng dáng mẹ. Tôi khăn gói về bản theo con đường bê tông chạy quanh ruộng bậc thang. Bếp nhà sàn của mẹ vẫn đỏ mắt đợi con trong màn sương buông.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352867-bep-nha-san-cua-me