Bếp xuân xưa
Tết về, mọi thứ như thay áo mới. Từ hàng rào dâm bụt được phát dọn thẳng tắp đến thềm hoa bung nụ rỡ ràng. Trong nhà bàn thờ đã lau dọn tinh tươm, nhưng để thấy rõ cái tết, ngửi được mùi tết thì phải vào gian bếp.
Tháng Chạp, má phơi củ kiệu ngoài sân, những miếng đu đủ được xắt đều tay đã bắt đầu heo héo dưới cái nắng 32 độ. Má đem vào nhà, trên bếp đã sẵn nồi nước mắm đường nấu sôi để nguội lát nữa sẽ cho vào keo là xong.
Chảo mứt gừng đang sên được đặt lên bếp than hồng từ sáng sớm, mùi nước đường sôi tới, lăn tăn đưa hương gừng lan khắp gian nhà. Mẹ lấy trái tràm ra, biểu chị em tôi nhúm lửa ngoài vườn để nướng cho trái tràm cháy xém, rồi dùng cục đá cà đậu đập vỏ lấy hạt bên trong đem ngâm với nước bảy nóng ba lạnh cho tràm mềm ra, sau đó ngâm rồi thay nước mấy ngày liền. Món tràm xào thịt heo ba chỉ thì không bao giờ thiếu trong ba ngày tết - đó là món rất kỳ công của người Phú Yên, vừa giòn vừa béo với mùi hương riêng biệt.
Mấy túm nấm mèo hái từ thân cây mít mục sau vườn đã được mẹ phơi khô từ tháng hạ treo lủng lẳng trên giàn bếp, giờ là lúc lấy xuống ngâm cho nở ra rồi luộc sơ, xắt sợi trộn với thịt tai heo, cùng thịt nạc dăm làm món giò thủ.
Giò thủ má làm thì không chê vào đâu được, má bó chắc tay, xào tới lửa, nêm vừa đủ vị - tất cả tạo nên miếng giò cắn vào vừa giòn vừa thơm, nhai rau ráu tới đoạn nhai trúng một hạt tiêu ta nói nó ngon thôi rồi, không nhớ cả đời mới lạ!
Tết gần kề mỗi ngày qua. Nắng vờn ngoài vườn, len vào hiên nhà, rọi sáng không gian bếp. Mấy hũ thịt ngâm mắm đã đỏ lựng màu nước, củ kiệu ngâm chua trắng phếu trông bắt mắt dự sẽ giòn rụm khi ăn kèm với lát bánh tét nhân đậu, thịt mỡ và củ hành… mà má sẽ bày ra gói ngày 29 tết. Bọn tôi chỉ được mỗi việc lau lá chuối, phơi phong cọng lác, xếp củi vào bếp, cứ mấy việc nhỏ mà làm, còn bao nhiêu chuyện lớn thì một tay má lo tất.
Gian bếp cứ ấm lên cả ngày đêm cho đến ngày cúng tất niên - ngày 30 tết thì lửa càng rực rỡ!
Mùi măng hầm với thịt bó - thịt cắt vuông vức lấy cọng lạt mềm buộc chặt chung quanh để khi hầm thịt sẽ không bở ra - mỗi cục tầm 4 lạng đang sôi ục ục trong bếp, quyện cùng mùi canh khổ qua dồn thịt làm mấy chị em đi qua đi lại cứ hít lấy hít để.
Tôi được phân công nướng thịt lụi. Thịt được má ướp thấm tháp, lửa than bắt thịt cháy xèo xèo thơm nức mũi, món này càng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết.
Con gà trống chắc thịt đã được chị Hai làm sạch sẽ, má liền tay tréo cẳng, cánh thiệt là đẹp bỏ vào xoong nước đã thả vào nắm sả đập dập, thịt gà má luộc canh vừa chín da căng bóng nhưng không bị nứt, miệng gà má cho ngậm một bông hoa cúc trông rất bắt mắt. Còn lại một chị gà mái dầu ú na nẩn thì má ướp ngũ vị hương, kho với nước dừa chụm củi gộc to.
Bao nhiêu mùi hương tỏa ra từ gian bếp làm lòng người thêm náo nức, mâm cỗ đã bày ra đủ lễ. Má ra giếng rửa mặt, vận vào chiếc áo dài thật trang nghiêm rồi lâm râm khấn nguyện. Má cảm tạ ông bà đã cho một năm qua bếp nhà đỏ lửa, gia đạo êm ấm...
Bàn cúng ông Táo được má chưng thêm cỗ bánh in xếp chồng như cái tháp, và một con cá sảnh thật to còn sống, lượn lờ trong cái chậu đất đầy nước.
Gian bếp ấm lửa thì gia đình mới no đủ, thế nên người đời có câu “giữ lửa” - ngày xưa trong bếp luôn vùi lại một cục than hồng để hôm sau lại thổi, mồi lửa nấu cơm bằng cục than đó.
Mùi nhang đèn thiêng liêng chạm vào cõi lòng mỗi người, quyện vào mâm cỗ tươm tất dậy lên lòng biết ơn vô tận.
Những cung bậc yêu thương cũng trỗi dậy - thứ tình thương chắt chiu từ bàn tay má nơi góc bếp, từ những ngày gian khó nhất khi chúng tôi còn thơ dại. Ngày đó nhà tuy nghèo nhưng má vẫn vén khéo sao cho luôn có một cái tết đủ đầy rồi ra Giêng tính tiếp.
Tôi nhớ má lui cui trong bếp để canh chừng ổ bánh thuẫn dậy bột, thơm lừng hương va-ni, chiếc bánh da lợn má xoắn bột dẻo tay trên bếp than hồng để cả nhà tấm tắc khen ngon… Những ngày tết càng lùi xa càng thấy nhớ, nhớ má đi cáp thịt lúc đêm khuya rồi đội về trên cái thúng, bày ra giữa gian bếp ấm. Rồi má phân chia chỗ này sẽ nấu gì chỗ kia sẽ để dành như thế nào. Ngày đó không có tủ lạnh như bây giờ mà má vẫn khéo léo giữ thịt thà ăn ngon lành trong ba ngày tết.
Thương gian bếp và hình ảnh người má đảm luôn in sâu vào ký ức. Hương tết cứ vương vương mỗi độ Chạp về, bay theo vào cả giấc mơ tôi.
THẠNH MỸ
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313157/bep-xuan-xua.html