Berliner Tet - nơi tìm hiểu văn hóa Việt của lưu học sinh tại Đức
Berliner Tet là hoạt động thường niên có tính nghệ thuật cao của Hội sinh viên Berlin-Potsdam, không chỉ duy trì và gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam mà còn thu hút sự tham gia của các bạn sinh viên.
Tối 27/1, trong không khí rộn ràng, ấm áp, Hội sinh viên Việt Nam vùng Berlin-Potsdam đã tưng bừng tổ chức “Berliner Tet.”
Đây là lần đầu tiên sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, những sinh viên xa nhà mới có dịp gặp gỡ, cùng nhau đón Tết cổ truyền.
Khoảng 300 sinh viên tại Berlin-Potsdam và các vùng lân cận đã tề tựu về tham dự sự kiện Xuân quê hương.
Những cái bắt tay, nụ cười, cái ôm thật chặt, những câu chuyện không dứt... cùng nhiều trò chơi dân gian càng làm cho không khí “Berliner Tet” trở nên ấm áp, thân thương.
Không chỉ vơi đi nỗi nhớ nhà, buổi gặp gỡ giao lưu còn giúp các bạn du học sinh hiểu thêm về văn hóa, phong tục của người Việt, thêm gắn bó với quê hương, cội nguồn.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Phan Quang Văn, Bí thư thứ nhất phụ trách hợp tác giáo dục và quản lý lưu học sinh tại Cộng hòa Liên bang Đức, cho biết sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, từ cuối năm 2022, hội sinh viên Việt Nam tại Đức nói chung và chi hội sinh viên Việt Nam Berlin-Brandenburg nói riêng bắt đầu hoạt động trở lại.
Sự kiện Tết cổ truyền là một trong những hoạt động được tổ chức nhiều nhất trên nước Đức nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc cũng như hướng các em nhớ về quê hương, cội nguồn.
Berliner Tet là hoạt động thường niên có tính nghệ thuật cao của Hội sinh viên Berlin-Potsdam, không chỉ duy trì và gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam mà còn thu hút sự tham gia của các bạn sinh viên kiều bào, những người luôn sẵn sàng giúp đỡ các du học sinh Việt sớm hội nhập với ngôn ngữ, văn hóa bản địa.
Theo ông Phan Quan Văn, dưới sự chỉ đạo chung của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam tại Đức, với khoảng 7.500 thành viên (năm học 2022-2023) và Hội sinh viên Việt Nam tại Berlin-Potsdam, nơi có số sinh viên đông nhất, chiếm khoảng 15% số lưu học sinh tại Đức, luôn có sự kết nối chặt chẽ với nhau để tổ chức những hoạt động hướng về quê hương.
Về phần mình, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Berlin-Potsdam, chị Lê Linh Chi, nói trong xúc động: “Berliner Tet không chỉ có ý nghĩa với cộng đồng, với các bạn sinh viên xa nhà, mà sự kiện này còn mang lại những giá trị riêng cho bản thân, thậm chí cả gia đình của những bạn trẻ sinh ra, lớn lên ở Đức, hoặc những bạn kết hôn với người nước ngoài, người Đức. Đến với Berliner Tet, các bạn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam. Bên cạnh đó, các bạn còn được học hỏi được rất nhiều điều, không chỉ trong giao tiếp, sinh hoạt mà còn được rèn luyện nhiều kỹ năng, các mối quan hệ xã hội.”
Theo chị Lê Linh Chi, đối với lưu học sinh đang học tập ở nước ngoài, không có cơ hội về thăm gia đình, bạn bè, Berliner Tet không chỉ là nơi gặp gỡ, chia sẻ, mà còn là sự kiện để giới thiệu với bạn bè quốc tế nói chung và Đức nói riêng về Tết cổ truyền, văn hóa của người Việt Nam.
Vì vậy về ý nghĩa, Berliner Tet vừa là kỷ niệm đẹp với những sinh viên xa nhà vừa sự kiện văn hóa có tính lan tỏa cao./.