Berlusconi qua đời: Vĩnh biệt ông trùm thay đổi thế giới bóng đá
Khi Silvio Berlusconi qua đời ở tuổi 86, thế giới bóng đá đã ngừng cả lại để tri ân ông trùm từng thay đổi vĩnh viễn bộ mặt của môn thể thao vua.
Chưa đầy 12 tiếng sau khi tin tức Silvio Berlusconi qua đời, Tuttosport bắt đầu đẩy những tờ báo mới khỏi nhà in. Với trụ sở đặt tại Turin, Tuttosport nổi tiếng với những dòng tít đả kích Milan trong quá khứ. Nhưng lần này trang nhất của tờ báo bìa trắng là hình ảnh Berlucosni cười giang tay với 5 chiếc cúp C1 - Champions League cùng dòng tiêu đề: "Ho visto un re" (Tôi đã thấy nhà vua).
Được đồng minh kính trọng khi tạ thế là chuyện dễ hiểu, nhưng được kình địch ghi nhận là "vua" mới là bằng chứng đủ lớn để hiểu Berlusconi xuất sắc đến thế nào.
Sau ngày 12/6/2023, thế giới không còn Berlusconi nữa.
Thay đổi cả thế giới
Giai thoại nổi tiếng bậc nhất về Berlusconi đến từ chính màn ra mắt tại AC Milan vào năm 1986. Milan ngày ấy là tập hợp của những ngôi sao hết thời (Paolo Rossi), cùng các cầu thủ ngoại tầm trung (Mark Hateley, Ray Wilkins). Chỉ vài nhân tố là có tiềm năng (Franco Baresi, Mauro Tassotti, Paolo Maldini, Virdis). Rossoneri vừa xuống hạng 2 lần chỉ trong 5 năm. Lần một là hệ quả từ scandal dàn xếp tỷ số Totonero, lần hai đơn giản là Milan không đủ tốt để trụ hạng.
Tuy nhiên, Berlusconi biết cách tạo ra điểm nhấn ở chính đội bóng có vẻ hời hợt và èo uột này. Ông ra mắt Milan bằng máy bay trực thăng trong tiếng nhạc "Ride of the Valkyries". Mặc áo cổ lông, đi giày da bóng lộn cùng nụ cười tài phiệt, Berlusconi đối lập hoàn toàn với bất kỳ vị chủ tịch nào trong bóng đá châu Âu lúc bấy giờ. Tất cả giống show diễn hơn là màn ra mắt CLB bóng đá.
Trong quá khứ, Berlusconi từng "diễn" thật. Ông là ca sĩ trong suốt thập niên 50 trên một tàu du lịch. Thuần thục cả tiếng Pháp lẫn Tây Ban Nha, Berlusconi từng sáng tác tới 150 ca khúc và mơ đi lưu diễn khắp châu Âu. Nhưng mọi thứ chấm dứt khi một ngày bố của Berlusconi hỏi cậu con trai: "Thế anh định là ca sĩ tạp kỹ đến hết đời à?".
"Giây phút ấy, tôi biết mình phải từ bỏ", Berlusconi nói. Ông quay lại đất liền, kinh doanh bất động sản trước khi phất lên như diều gặp gió. Giống hầu hết ông trùm giai đoạn cuối thập niên 80, Berlusconi nhìn ra tầm ảnh hưởng của bóng đá và biết mình phải gia nhập cuộc chơi này để vươn mình khỏi vị thế của một doanh nhân đơn thuần.
Nhưng, bóng đá hay bất kỳ điều gì với Berlusconi cũng phải đẹp, bay bổng như cách ông chinh phục các khán giả trên những chuyến tàu du lịch năm nào. Trong ngày đầu tiên tới nhiệm sở tại Milan, Berlusconi nói với HLV Nils Liedholm: "Nhiệm vụ của Milan là vô địch Italy, châu Âu và chinh phục cả thế giới. Quan trọng nhất, chúng ta phải chơi bóng đá đẹp".
Ba chữ "bóng đá đẹp" ấy từ Berlusconi sau cùng đã thay đổi toàn bộ thế giới túc cầu. Tháng 6/1987, Berlusconi bổ nhiệm Arrigo Sacchi, người gần như vô danh lúc ấy, lên chức HLV trưởng Milan. Milan trong năm đầu tiên dưới thời Berlusconi đã thua Parma dưới tay Sacchi tại Coppa Italia. Chừng đó lý do là đủ để ông trùm Italy mang bằng được vị HLV chưa từng là cầu thủ nọ về San Siro.
"Hoặc ông là thiên tài, hoặc là một gã điên", Sacchi nói ngay sau khi biết Berlusconi muốn có mình. Thời gian đã chứng minh Berlusconi là cả hai. Milan dưới tay Sacchi thay đổi hoàn toàn bóng đá Italy cũng như toàn thế giới khi chơi tấn công, chiến thắng và giành liên tiếp các danh hiệu.
Khi cả Italy vẫn đắm đuối với lối đá phòng ngự thụ động cùng chỉ vài cơ hội có được trong mỗi trận, Milan của Sacchi công phá tất cả bằng lối đá tấn công, pressing tầm cao và phòng ngự khu vực.Khi cả thế giới chưa thể tìm ra nổi đội hình trong mơ nào kể từ sau Real Madrid ở thập niên 50, Milan đã quy tụ những người hay nhất về San Siro bằng túi tiền không đáy của Berlusconi. Trong hai năm liên tiếp 1988 và 1989, toàn bộ các cầu thủ đoạt Quả bóng Vàng, Bạc, Đồng đều là người của Milan.
Trước trận chung kết cúp C1 châu Âu năm 1989 với Steaua Bucharest, Sacchi đứng trong phòng thay đồ nói với các học trò: "Này các cậu, nhà báo số một Italy nói những người Romania là bậc thầy bóng đá, và chúng ta phải phòng ngự trước khi tìm ra sơ hở của đối thủ để có được chiến thắng. Các cậu nghĩ sao?".
Ruud Gullit lập tức đứng dậy hét lớn: "Chúng ta sẽ tấn công từ phút đầu tiên!". Trận đó, Milan thắng 4-0. Gullit và Marco van Basten mỗi người lập một cúp đúp. Đó là hai Quả bóng Vàng châu Âu đầu tiên Berlusconi tạo ra cùng Milan.
Trong 30 năm nắm quyền ở Milan, Berlusconi đã "tạo ra" 5 chủ nhân Quả bóng Vàng (Gullit, Van Basten, George Weah, Andryi Shevchenko, Kaka), và mua về 5 Quả bóng Vàng khác (Jean-Pierre Papin, Roberto Baggio, Rivaldo, Ronaldo, Ronaldinho). Tất cả tới từ tham vọng "chơi bóng đá đẹp" mà ông trùm này nói trong ngày đầu tiên làm việc tại San Siro.
Năm 2017, Independent đặt ra câu hỏi đâu là giải đấu có thời kỳ thống trị vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới. Serie A cuối thập niên 80 và những năm 90 đứng số một với giải thích: “Một thời đại truyền quá nhiều cảm hứng. Nhưng đấy tuyệt đối không phải hoài niệm đơn thuần. Đó còn là những thành tích tuyệt diệu, và có thể là thời kỳ với bóng đá ở trình độ cao nhất từng xuất hiện”.
Thời kỳ ấy đã bắt đầu từ chính thời điểm Berlusconi hạ chân xuống sân tập Milan từ trực thăng.
Không thể sao chép
Trong 30 năm được trị vì bởi Berlusconi, Milan đã giành 29 danh hiệu, trong đó có 5 chức vô địch châu Âu, 8 Scudetto, 3 cúp liên lục địa... Có lý do để nói rằng không vị chủ tịch nào trong lịch sử túc cầu tạo ra ảnh hưởng lớn về thời cuộc như cựu Thủ tướng Italy.
Florentino Perez xuất sắc nhưng Real Madrid chưa từng lún sâu như Milan. Thời điểm Perez đánh bật Lorenzo Sanz khỏi cuộc đua giành ghế chủ tịch CLB năm 2000, Real Madrid đang là ĐKVĐ Champions League. Khi Perez trở lại Bernabeu vào năm 2009, Real Madrid cũng chỉ thua Barcelona siêu phàm của Pep Guardiola và Lionel Messi chứ chưa từng tụt xuống nửa dưới La Liga.
Roman Abramovich biến Chelsea thành thế lực tại Anh, nhưng chỉ vô địch Champions League vỏn vẹn 2 lần trong 18 năm. Glazer, Joan Laporta hay Agnelli... chỉ là hạt cát bên cạnh tòa lâu đài Berlusconi.
Ngay cả khi rời Milan do hệ lụy phá sản, Berlusconi cũng không dừng tham vọng. Ông mua lại Monza đang chơi tại Serie C, đưa cho người bạn đồng hành Adriano Galliani quản lý, đầu tư tiền gấp hàng chục lần so với các “đối thủ” tại giải đấu cấp thấp này để đưa đội bóng tý hon vùng Lombardia này lên chơi tại giải đấu cao nhất Italy.
Monza thậm chí thắng luôn cả Juventus lẫn Inter Milan ở mùa vừa qua. “Chúng tôi muốn vô địch Serie A mùa sau”, Berlusconi bông đùa hồi tháng 2. Với ông trùm một thời của bóng đá Italy, giấc mơ phải luôn thật lớn lao. Như cách bố của ông dặn dò: “Con phải luôn giữ mặt trời bên mình”.
Tuy vậy, Berlusconi cũng “điên” không thua kém gì những ông trùm trứ danh trong lịch sử. Các đời HLV Milan từng đối mặt vô vàn áp lực từ Berlusconi, người luôn tin mình hiểu và đủ khả năng làm HLV. Trong thập niên 90, Berlusconi từng gây sức ép để Fabio Capello buộc phải sử dụng Dejan Savicevic dù nhà cầm quân người Italy không muốn.
Carlo Ancelotti trong thời gian dẫn dắt Milan cũng bị Berlusconi ép phải sử dụng sơ đồ 2 tiền đạo để “tấn công và chơi bóng đá đẹp”. Thất bại cay đắng nhất của Rossoneri, trận thua Liverpool tại Istanbul 2005, đến một phần từ áp lực này: Milan hoàn toàn có thể chơi phòng ngự để bảo toàn cách biệt 3 bàn sau hiệp một, thay vì tấn công như Berlusconi muốn.
Năm 2007, Capello cũng từng kể lại chuyện Berlusconi đột nhiên hỏi mình về Ronaldo “béo” khi đó đang khoác áo Real Madrid. “Ông ấy hỏi và tôi đáp: ‘Ronaldo hỏng rồi, gần như không tập tành gì và suốt ngày chơi bời. Berlusconi nói: “Ok”. Hôm sau, Milan mua luôn Ronaldo”.
Tất cả những xung đột ấy tạo nên con người Berlusconi: một doanh nhân, ông trùm, chính trị gia và trên hết là người yêu AC Milan và bóng đá hết mực.
Qua đời ở tuổi 86, Berlusconi coi như đã khép lại hoàn toàn kỷ nguyên bóng đá lãng mạn nhưng cũng đầy bóng tối của thập niên 80 và 90. Trước Berlusconi, bóng đá đã đáng nhớ. Sau Berlusconi, túc cầu giáo trở nên bất tử.
Vĩnh biệt, Silvio.