BHXH huyện Lạc Sơn: Tuyên truyền hạn chế người lao động rút BHXH một lần

Theo thống kê của BHXH huyện Lạc Sơn, trong năm 2021 có 1.425 người lao động (NLĐ) rút BHXH 1 lần với số tiền 37,6 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm nay có 547 người rút với số tiền 11,8 tỷ đồng. Đây là địa phương có số người rút BHXH 1 lần cao nhất tỉnh. Như vậy, sẽ có gần 2.000 người có thể không có lương hưu, chế độ chính sách khi về già và phải nương dựa vào gia đình.

Thời gian gần đây, gia tăng người đến giao dịch tại bộ phận một cửa UBND huyện Lạc Sơn nộp hồ sơ rút BHXH một lần.

Thời gian gần đây, gia tăng người đến giao dịch tại bộ phận một cửa UBND huyện Lạc Sơn nộp hồ sơ rút BHXH một lần.

Qua tìm hiểu tại bộ phận một cửa UBND huyện, thời gian gần đây, lượng NLĐ đến rút BHXH 1 lần tăng đột biến, chủ yếu là NLĐ của huyện đi làm xa, nhiều người tham gia hơn 10 năm cũng xin rút. Cán bộ BHXH huyện đã tuyên truyền tại chỗ, phân tích những thiệt hơn khi rút, nhiều người nhận thấy lợi ích khi tiếp tục tham gia, nhưng dù được tuyên truyền họ cũng xin rút. Lý do rút thì nhiều nhưng chủ yếu là khó khăn về kinh tế, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm… Anh Bùi Văn Vinh ở thị trấn Vụ Bản cho biết: Trước tôi làm đan ghế bằng dây nhựa ở Bắc Ninh, lương tháng được 3,9 triệu đồng. Với đồng lương như vậy chỉ tạm đủ trả tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt. Vừa rồi bị dịch bệnh, công việc không đều nên tôi nghỉ. Tôi tham gia BHXH được hơn 3 năm, quyết định rút BHXH 1 lần về nhà đầu tư chăn nuôi và chi phí cho gia đình. Cũng chưa nghĩ đến việc sau này có được lương hưu vì thời gian đóng quá dài.

Đồng chí Bùi Văn Kiểm, Giám đốc BHXH huyện Lạc Sơn cho biết: Khi bị mất việc làm hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác thì ngoài lương, trợ cấp của doanh nghiệp, NLĐ thường nghĩ ngay đến khoản BHXH đã đóng trong thời gian lao động. Đây là khoản tích lũy để NLĐ được hưởng chế độ lương hưu khi không còn tuổi lao động. Người đến rút BHXH 1 lần chủ yếu từ lứa tuổi trên 20 - 40 tuổi. Qua thực tế cho thấy, khi hết tuổi lao động, tìm kiếm việc làm có thu nhập để duy trì cuộc sống sẽ rất khó khăn với nhiều người sức khỏe yếu, không thể tiếp tục lao động. Đây không chỉ là gánh nặng của gia đình, con cái khi về già mà còn là gánh nặng của xã hội và sẽ sinh ra nhiều hệ lụy. Bởi thời điểm đó sức lao động giảm, sinh ra nhiều bệnh tật và cũng là thời điểm con cái bắt đầu trưởng thành, có nhu cầu về tài chính để lập nghiệp, khó có thể chăm lo cho bố mẹ chu toàn.

Trước thực trạng này, BHXH huyện cử cán bộ tích cực tuyên truyền cho NLĐ. Tại bộ phận một cửa khi có NLĐ đến giao dịch tuyên truyền, vận động tiếp tục tham gia BHXH. Tuy nhiên, rất ít người thay đổi ý định rút BHXH. Ngoài nguyên nhân chính do dịch bệnh, NLĐ mất việc làm, không có thu nhập, đời sống khó khăn, nhiều trường hợp không nghĩ đến việc tích lũy để hưởng lương hưu mà muốn trước mắt rút về chi tiêu, sắm sửa cho bản thân, gia đình. Có trường hợp hai vợ chồng đi làm công nhân được thời gian ngắn, khi bị nghỉ việc về nhà chồng muốn rút BHXH để mua xe máy. Nhưng qua tính toán của cán bộ BHXH số tiền nhận về không đủ mua, chồng bắt vợ phải rút, người vợ không muốn rút và tiếp tục tham gia. Đến bộ phận một cửa hai vợ chồng mâu thuẫn, cuối cùng vợ đành phải rút để chồng mua xe máy.

Theo đồng chí Bùi Văn Kiểm: Ngoài việc tuyên truyền cần có quy định hợp lý để NLĐ hạn chế rút BHXH 1 lần. Khi NLĐ đang làm việc tại doanh nghiệp, đóng BHXH bắt buộc có phần đóng của doanh nghiệp và NLĐ, khi nghỉ việc rút BHXH thì chỉ được rút phần NLĐ đã đóng. Khoản tiền doanh nghiệp đã đóng cho NLĐ nên giữ lại để hết tuổi lao động sẽ chi trả và thu hút NLĐ tiếp tục tham gia BHXH. Đó cũng là cách để NLĐ không bị thiệt thòi khi hết tuổi lao động.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/307/166023/bhxh-huyen-lac-son-tuyen-truyen-han-che-nguoi-lao-dong-rut-bhxh-mot-lan.htm