Bí ẩn khu mộ của gia tộc giàu nức tiếng Tây Đô
Được xây dựng cách đây gần 200 năm, khu mộ cổ xây cất tinh xảo, nằm trong khuôn viên hơn 1.000m2 đến nay vẫn còn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí...
Khu mộ cổ giữa vườn cây
Khu mộ cổ tọa lạc trong vườn vú sữa nhà ông Trần Thanh Hùng (63 tuổi) ngụ ấp Trường Đông A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ được xây dựng cách đây khoảng 200 năm.
Dù đã trải qua biến động thời cuộc song tới nay khu mộ vẫn còn giữ được nét cổ kính, in đậm dáng dấp kiến trúc châu Âu.
Ông Hùng là thế hệ thứ 5 đang gìn giữ, bảo tồn giá trị truyền thống của gia đình. Ông cho biết, khu mộ là nơi an nghỉ của cụ Tổ là ông Trần Đại (nguyên quán Phúc Kiến, Trung Quốc, sang Việt Nam định cư vào khoảng thế kỷ XIX) cùng các thành viên trong gia tộc. Xây dựng khoảng năm 1842.
Theo các bậc cao niên ở địa phương, ông Trần Đại là một trong những người giàu nhất vùng Tây Đô (Cần Thơ hiện nay) thời Pháp thuộc. Khi vợ chồng ông vừa từ Trung Quốc di cư sang, ông sắm chiếc ghe, chạy dọc theo các nhánh sông để buôn bán trà, thuốc, cốm…
Trong nhóm người Trung Quốc sang xứ Tây Đô thời ấy, ông được bầu là trưởng ban, nên dần dà người ta quen gọi ông là Ban Tế.
Sau một thời gian buôn bán, kiếm được nhiều tiền, ông xây nhà và mua hàng ngàn ha đất để trồng trọt. Vùng Kiên Giang, Ô Môn… cũng có đất của ông. Ông Ban Tế trở thành người giàu có nhất vùng.
“Tôi có nghe từ thời ông nội kể lại, ông Ban Tế thời xưa rất giàu, đất ruộng, ghe vận chuyển hàng của ông nhiều vô kể”, ông Ba Trăng (78 tuổi, ngụ xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền) kể.
Theo một cán bộ Bảo tàng Cần Thơ, để được công nhận là 1 công trình di tích lịch sử văn hóa thì từ đề xuất của chủ nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của địa phương có di tích chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét xếp hạng, đề nghị xếp hạng di tích. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ quyết định xếp hạng và cấp bằng di tích cấp tỉnh.
Theo lời ông Trần Thanh Hùng, bà Tổ không có con trai. Thương chồng, muốn có người nối dõi tông đường, nên bà đích thân lựa chọn và cưới cho ông một cô gái địa phương làm vợ nhỏ. Sau ông Tổ có 8 người con với người vợ sau.
Khu mộ cổ được xây dựng kiên cố. Ngay lối vào là 2 cánh cửa bằng thép dày, cao quá đầu người. Điều lạ là cửa được thiết kế không hàn dính với nhau như những cánh cổng thời nay, mà có các thanh mộng sắt ghép vào, kết dính các thanh sắt như đóng đinh. Lối vào có nhiều bậc thang.
Cả khu mộ được thiết kế như những tòa cung điện nho nhỏ, rất công phu, tinh xảo, đầy hoa văn chạm khắc tinh tế, cả phía trên trần. Mộ của ông Ban Tế nằm ở giữa, lớn nhất, có cả móc treo đèn trên trần, chứng tỏ thời xưa chủ nhân là người rất giàu có khi đã sử dụng máy phát điện.
Còn mộ bà vợ lớn của ông Ban Tế nằm bên tay phải, mộ bà vợ nhỏ nằm bên trái, trong hậu cung riêng của từng bà. Tất cả các bia mộ đều được làm bằng đá cẩm thạch.
Điều đáng ngạc nhiên là những hoa văn được vẽ sắc nét dưới lớp vôi bên ngoài. Qua thời gian, lớp vôi bên ngoài bong rữa, các hoa văn mới lộ ra, như sắp đặt từ trước của người thiết kế.
Ông Nguyễn Ngọc Khoa, nhà gần khu mộ cổ kể rằng khu mộ này khá linh thiêng. Khoảng 20 năm trước, có người lẻn vào đào thử nhằm tìm kiếm cổ vật.
Đào được vài xẻng người này thấy điều gì đó, bàng hoàng chạy về nhà rồi sau đó lặng lẽ bỏ xứ ra đi. Dân trong xóm cũng không biết người này thấy gì. Kể từ đó, không ai dám vào khu mộ này làm điều sai trái. Tuy nhiên, mọi người đến thắp nhang, khấn vái thì bình thường.
Đề xuất làm hồ sơ công nhận di tích
Xứ Phong Điền, thời xưa dân chỉ chuyên trồng lúa. Nhưng xứ này đất đai màu mỡ, phù sa bồi đắp hàng năm, nên nhiều nông dân chuyển dần sang trồng cây ăn trái.
Phong Điền dần dà nổi danh là xứ sở trái cây. Nào là cam, rồi dâu Hạ Châu, đến giờ là sầu riêng, vú sữa Lò Rèn… ngon nức tiếng.
Ông Hùng hiện sở hữu khoảng 10.000m2 đất. Ông từng trồng cam, rồi vú sữa, giờ chuyển sang trồng sầu riêng. Vợ ông cho biết, Tết vừa rồi, gia đình bán trái cây cũng được khoảng 35 triệu đồng.
Gia đình ông còn có nghề nấu rượu gia truyền. Nấu rượu giờ không lời lãi bao nhiêu, chỉ dư ra chút đỉnh để ông nuôi cả chục con heo trong cái chuồng sát nhà… Ngoài việc làm vườn, nấu rượu, ông Hùng kiêm luôn việc chăm sóc khu mộ cổ. Dù đã trải qua gần 200 năm, song đến nay khu mộ vẫn giữ được hình dáng cơ bản như lúc đầu.
Ông Hùng khẳng định, gần như cả khu mộ hiện nay đều nguyên trạng: “Nhiều chỗ trên ngôi mộ đã bị hư hao nhưng tôi không muốn sửa nhiều, sẽ làm mất giá trị mà ông bà để lại. Tôi sẽ giữ gìn và bảo tồn để con cháu sau này lớn lên, nhìn ngôi mộ mà biết đến nguồn gốc của mình.
Hiểu về nguồn gốc của mình cũng là học tập ông bà tổ tiên, đó là làm giàu bằng chính công sức của mình, tích lũy dần mà giàu có, khi giàu rồi thì lại đóng góp cho xã hội”.
Ba người con của ông Hùng, con trai lớn 28 tuổi, con trai út 26 tuổi, đều có công ăn việc làm ổn định. Đứa con gái duy nhất cũng đã yên bề gia thất. Cả gia đình ông sống lặng lẽ nhưng chan hòa cùng hàng xóm. Khu mộ cổ cũng nằm yên lặng sau vườn nhà, nhưng có ai hỏi đến, cách vài cây số ai ai cũng đều biết.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Thới cho biết, khu mộ cổ này là độc nhất ở địa phương với kiến trúc độc đáo: “Qua thời gian dài, hiện nay ít người biết về nó, trong đó có lý do không nhiều người đọc được chữ ở các bia và trong khuôn viên mộ”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hồ Phương Thảo, Chủ tịch UBND xã Tân Thới cho hay: “Tôi cũng đã đến thăm khu mộ này và đề xuất ông Hùng làm thủ tục để công nhận di tích, dẹp bỏ chuồng heo… để đón khách du lịch. Tuy nhiên, ông Hùng còn lấn cấn vì sợ không trang trải nổi chi phí để làm thủ tục. Xã sẽ xem xét, hỗ trợ nếu có thể”.
Ông Hùng cho hay, dù rất muốn nhưng vẫn chưa rõ về thủ tục nên vẫn chần chừ. Theo ông, trước giờ chưa có nhà khảo cổ, cán bộ bảo tàng nào tìm đến vì chưa biết khu mộ độc đáo này.
Theo lời ông Trần Thanh Hùng, khu mộ có từ năm 1846. Cụ Ban Tế mất khi công trình đang xây dựng, thi thể của ông được ướp và để 3 tháng 10 ngày. Người con trai thứ năm của ông tiếp tục phần việc này, chôn cất cha đúng theo ý nguyện. Sau đó, hai bà vợ lần lượt qua đời, được lập mộ hai bên.
Trong khuôn viên còn hai ngôi mộ khác cũng mang phong cách kiến trúc Pháp. Đó là mộ của đôi vợ chồng người con thứ bảy của cụ Ban Tế. Người này đi du học từ Pháp về rồi tự thiết kế phần mộ cho mình và vợ.
Cũng theo ông Hùng, ông Ban Tế giàu có, hay làm việc thiện.