Bí ẩn kinh ngạc bên dưới lỗ khoan 'Cổng địa ngục' sâu 12km găm vào lớp vỏ Trái đất
Thời Chiến tranh Lạnh, cùng với cuộc chạy đua chinh phục không gian giữa các cường quốc, còn có một cuộc đua khác khám phá lòng đất, mà một trong những sản phẩm là 'Cổng địa ngục', dự án bí mật lớp vỏ Trái đất của Liên Xô.
Dự án thám hiểm lòng đất
Trong khi Hoa Kỳ và Liên Xô cạnh tranh trong cuộc chạy đua không gian, có một cuộc đua khác, ít được công khai đã diễn ra giữa những thợ khoan giỏi nhất của hai quốc gia. Vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, người Mỹ và người Liên Xô bắt đầu lên kế hoạch cho những nỗ lực riêng biệt để khoan sâu nhất có thể vào lớp vỏ Trái đất.
Hoa Kỳ đã thực hiện những nỗ lực đầu tiên vào những năm 1960 với tham vọng vươn tới lớp vỏ Trái đất. Bằng cách làm này, họ hy vọng sẽ thu được một số thông tin có giá trị về tuổi Trái đất, cấu tạo, các quá trình bên trong và giúp hiểu rõ kiến tạo mảng.
Liên Xô với tham vọng “người đầu tiên” trong mọi khám phá, đã đặt mục tiêu trở thành người đầu tiên đào tới trung tâm Trái đất. Dự án Kola Superdeep Borehole (Siêu lỗ khoan Kola), dân gian còn gọi với biệt danh “Cánh cổng dẫn tới Địa Ngục” hay “Giếng địa ngục”, như một phần khởi đầu của tham vọng, được Liên Xô khởi sự từ tháng 5/1970.
Đến năm 1979, lỗ khoan SG-3 của dự án đã phá vỡ tất cả các kỉ lục thế giới khác về độ sâu khoan, trong đó đánh bại lỗ khoan Bertha Rogers Hole ở Oklahoma, của Mỹ ở độ sâu 9.583 m. Và đến 1989, lỗ khoan đạt độ sâu 12.262 m và không thể khoan sâu hơn như kỳ vọng 15.000 m, do vấn đề kỹ thuật.
Mũi khoan đã gặp phải đá nóng tới 180 độ C, là thách thức kĩ thuật lớn lúc bấy giờ, khiến những thợ khoan bó tay.
Tuy vậy đây vẫn là hố nhân tạo thẳng đứng vào loại sâu nhất thế giới, gây kinh thiên động địa lúc bấy giờ.
Đến năm 1994, sau khi Liên Xô tan rã, với nhiều lí do, dự án khoa học bị đình chỉ.
Những bí ẩn thú vị
Để đáp ứng các mục tiêu khoa học và cung cấp cái nhìn triệt để về lớp vỏ, Liên Xô đã phát triển các công cụ để thực hiện các phân tích vật lý, cũng như hóa sinh từ các mẫu địa chất. Dự án đã thu thập một lượng dữ liệu địa chất lớn, cho phép nhìn trực tiếp cấu trúc của lớp vỏ; đồng thời giúp thẩm định, làm sáng tỏ nhiều thông tin chưa từng biết đến về lớp vỏ Trái đất.
Một trong những phát hiện đáng ngạc nhiên nhất là không có sự chuyển đổi từ đá granit sang đá bazan ở độ sâu 3 - 6 km như dự đoán theo lí thuyết "sự gián đoạn Conrad".
Mặc dù sự gián đoạn địa chất đã được phát hiện bên dưới tất cả các lục địa, mũi khoan tại Kola chưa bao giờ gặp phải lớp bazan như dự tính. Thay vào đó, đá granit được tìm thấy kéo dài ra ngoài mốc 12 km.
Nghiên cứu các mẫu địa chất từ hố khoan Kola các nhà khoa học cũng phát hiện hoạt động sinh học trong những tảng đá hơn 2 tỉ năm tuổi, ở độ sâu 6 km. Bằng chứng rõ ràng nhất về sự sống là 25 loài hóa thạch sinh vật phù du cực nhỏ, được bọc trong các hợp chất hữu cơ trầm tích vẫn nguyên vẹn đáng kinh ngạc, bất chấp áp suất và nhiệt độ khắc nghiệt của môi trường.
Từ độ sâu khoảng 3.000 m, nhiệt độ tăng cao hơn dự đoán và đạt đến 180°C ở đáy hố. Đây là một sự khác biệt lớn so với nhiệt độ dự kiến 100°C.
Một bất ngờ khác, mật độ đá bắt đầu giảm từ độ sâu 4.500 m. Quá độ sâu này, đá có độ xốp và độ thấm lớn hơn, kết hợp với nhiệt độ cao, khiến đá giống như một chất dẻo hơn là một chất rắn và khiến việc khoan gần như không thể thực hiện được.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng có nước ở độ sâu 12 km, mặc dù điều này trước đây được cho là không thể.
Một số thông tin được cho xuất phát từ những người từng tham gia thực hiện dự án, mô tả một hiện tượng có vẻ ma quái, rung rợn. Đó là việc mũi khoan bỗng nhiên quay cuồng mộ cách điên rồ, không kiểm soát.
Trong khi nghệ sĩ Hà Lan Lotte Geeven đặt ghi âm dưới đáy một hố sâu gần 9.150 m ở Đức, ghi nhận âm thanh kì lạ như "tiếng gầm của một cơn lốc xoáy" và thừa nhận, các bản ghi âm có thể được cộng hưởng do chính âm thanh thiết bị tạo ra, thì những âm thanh được cho ghi nhận ở Kolo có vẻ kì quái như tiếng rít từ địa ngục.
Một số người tin rằng cái hố đã xuyên qua thế giới ngầm, liên kết ma quỷ với thế giới này. Người dân địa phương trong khu vực nói rằng, hố sâu đến mức có thể nghe thấy tiếng la hét của những người bị tra tấn trong địa ngục, từ đó hố khoan được gọi với biệt danh 'giếng địa ngục'.