Bí ẩn loại nấm gây bệnh cho hàng nghìn người làm đau đầu giới khoa học suốt 12 năm
Các nhà khoa học vừa có phát hiện đột phá mới sau 12 năm đau đầu tìm kiếm nguồn gốc của loại nấm chết người mang tên Candida Auris đã gây bệnh cho hàng nghìn người và đang lan rộng trên toàn cầu vì có khả năng kháng thuốc.
Các nhà khoa học vừa phát hiện ra mầm bệnh (nấm Candida Auris) trong môi trường tự nhiên lần đầu tiên sau 12 năm khi nó gây bệnh cho một bệnh nhân ở Nhật Bản năm 2009.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí mBio đã mô tả cách các nhà khoa học lần theo dấu vết của nấm Candida Auris đến hai địa điểm trên quần đảo Andaman ở Vịnh Bengal.
Loại nấm nguy hiểm này là nguyên nhân gây ra nhiều đợt bùng phát trên toàn cầu, trong đó có hơn 1.600 ca bệnh được phát hiện ở Mỹ kể từ ngày 19/1 năm nay. Tuy nhiên, kể từ khi được biết đến đến nay, nguồn gốc của nấm Candida Auris vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học.
Candida Auris lần đầu tiên được "điểm mặt đặt tên" sau khi nó gây bệnh cho một bệnh nhân ở Nhật Bản vào năm 2009 và sau đó nhanh chóng được phát hiện ở ba lục địa khác.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) năm 2019 đã gọi Candida Auris là "một loại nấm mới gây ra mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng" vì khả năng chống lại hầu hết các hình thức điều trị của nó.
Trong một số trường hợp, Candida Auris cho thấy khả năng kháng lại tất cả các loại thuốc kháng nấm hiện có. Loại nấm này có thể hơi khó xác định, vì thế dễ dẫn đến chẩn đoán sai và điều trị sai.
Nhiễm nấm Candida Auris có thể gây tử vong. CDC ước tính từ 30 đến 60 bệnh nhân nhiễm loại nấm này đã tử vong, chủ yếu là các bệnh nhân kháng thuốc. Những bệnh nhân kháng thuốc này thường chết nhanh sau khi nhiễm bệnh vì không thể điều trị.
“Hầu hết các trường hợp nhiễm Candida Auris đều có thể điều trị được bằng một loại thuốc chống nấm gọi là echinocandins. Tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm loại nấm này đã kháng lại cả ba loại thuốc trị nấm chính, khiến chúng khó điều trị hơn", CDC cho biết.
Điều nguy hiểm là mầm bệnh thậm chí còn có khả năng tồn tại trên các bề mặt như tường và đồ nội thất trong nhiều tuần liền.
Mầm bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm nấm, các thiết bị y tế và thậm chí giữa người bệnh với người khỏe mạnh.
Tiến sĩ Arturo Casadevall thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, Anh cho biết: "Việc nó (nấm Candida Auris) đến từ đầu là một bí ẩn".
Một giả thuyết cho rằng sự nóng lên toàn cầu đã cho phép mầm bệnh thích nghi với nhiệt độ cao hơn, khiến nấm Candida Auris dễ dàng lây sang người hơn.
Các tác giả của nghiên cứu đã phân tích 48 mẫu đất và nước từ 8 địa điểm trên quần đảo Andaman, vốn là một quần đảo biệt lập trong Vịnh Bengal có khí hậu nhiệt đới. Chúng bao gồm các bờ đá, bãi cát, đầm lầy ngập mặn và đầm lầy thủy triều.
Các nhà nghiên cứu đã lần đầu tiên xác định được nấm Candida Auris trong 2 mẫu lấy từ một bãi biển và đầm lầy thủy triều.
Trong các mẫu bãi biển - khu vực thường xuyên có hoạt động của con người - nấm Candida Auris được phát hiện có khả năng kháng đa thuốc. Còn trong các mẫu đầm lầy, nấm có khả năng kháng thuốc chống nấm.