Lầu Năm Góc đã không kích vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố IS-K, nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan, để trả đũa vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul hôm 26/8.
Cuộc không kích được thực hiện bằng máy bay trinh sát tấn công không người lái MQ-9 Reaper cất cánh từ vịnh Ba Tư
Vụ không kích ngày 28/8 đã giết chết 2 mục tiêu cấp cao của IS-K trong đó có chiến lược gia đã lên kế hoạch cho vụ đánh bom tại Kabul và làm bị thương một người khác. Lầu Năm Góc từ chối tiết lộ danh tính của các mục tiêu bị tấn công.
Tổ chức khủng bố IS-K đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố ở sân bay Kabul, khiến 13 lính Mỹ và gần 200 thường dân Afghanistan thiệt mạng.
Một nhân chứng tại hiện trường vụ không kích của Mỹ ở Nangarhar, Rahamunullah cho biết 3 người thiệt mạng và 4 người bị thương, bao gồm một phụ nữ.
Vụ tấn công gây ra một số thiệt hại cho ngôi nhà gần căn cứ của khủng bố IS-K tại Nangarhar, Rahamunullah.
Lầu Năm Góc từ chối cho biết, họ có đưa ra cảnh báo cho người dân xung quanh về vụ tấn công hay không, nhưng việc họ sử dụng một tên lửa Hellfire R9X cho thấy dường như không có cảnh báo nào được đưa ra.
Tên lửa mà Mỹ sử dụng trong cuộc không kích được gọi là Hellfire R9X còn được gọi với biệt danh “hỏa ngục”. Đây là loại tên lửa siêu chính xác không chứa thuốc nổ để tránh gây ra những thiệt hại ngoài mong muốn.
Loại tên lửa này được nâng cấp hệ thống cảm biến cho phép tấn công mục tiêu với xác suất gần như 100%.
Năm 2011, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ bắt đầu phát triển Hellfire R9X. Trong những năm qua, thông tin về loại tên lửa mới này vẫn được giữ tuyệt mật.
Người Mỹ đã phát triển loại vũ khí này với mục tiêu để tránh thương vong dân sự trong các cuộc không kích. Quân đội Mỹ từng dự định sử dụng tên lửa này làm 'kế hoạch B' để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011.
Quân đội Mỹ hiếm khi sử dụng tên lửa này, chỉ trong một số điều kiện nhất định. Đó là khi vị trí của những thủ lĩnh khủng bố được nắm bắt chính xác, nhưng địa điểm tấn công không thuận lợi cho việc sử dụng các loại vũ khí, vì sẽ gây nhiều thương vong dân sự.
'Tên lửa với bán kính hủy diệt nhỏ, có thể hạn chế sự phá hoại khu vực xung quanh' - ông Foks Bennam Taleblu, trưởng chuyên viên khoa học của Quỹ Bảo vệ Dân chủ cho biết.
Thế hệ Hellfire R-9X này không chứa thuốc nổ mà chỉ có 6 cánh thép dài được giấu bên trong. Khi bung các cánh thép này ra, tên lửa sẽ có thêm khả năng xuyên phá được lớp bảo vệ như tường nhà, vỏ thép của xe ô tô hay phương tiện đặc biệt đang có mục tiêu trong đó.
Với hệ thống dẫn đường tiên tiến nhất bằng tia laser cho độ chính xác cao với khả năng đánh trúng mục tiêu trên một chiếc ô tô đang di chuyển hoặc ở trong một căn phòng nhỏ.
Tên lửa Hellfire R9X đã được sử dụng lần đầu tiên là vào 2/2017 với mục tiêu là nhân vật số 2 của tổ chức khủng bố Al Qaeda ở Syria – Abu Khayr Al Masri.
Mục tiêu khi đó đang lái xe đi vào thành phố AI Mastouma và bị tên lửa đâm thủng nóc xe, băm nát người.
Tiếp đến là tháng 1/2019 với mục tiêu là hai kẻ khủng bố thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Hayat Tahrir Al Sham (HTAS) ở Syria, cả hai cũng đã bị băm nát bởi Hellfire R9X khi đang lái xe gần thành phố Idlib.
Và hiện tại là chiến lược gia của khủng bố IS-K, người đã lên kế hoạch cho các vụ đánh bom kinh hoàng tại sân bay quốc tế Hamid Karzai, tại Afghanistan.
Lầu Năm Góc chưa bao giờ xác nhận về sự tồn tại của tên lửa Hellfire R9X. Tuy vậy những mục tiêu khủng bố quan trọng đều bị loại tên lửa này tấn công và tiêu diệt.
Việt Hùng