Bí ẩn ngôi làng toàn người lùn như trong thế giới cổ tích

Ẩn sâu trong một thung lũng phía Tây Nam Trung Quốc có một ngôi làng người lùn đặc biệt tưởng chừng chỉ tồn tại trong thế giới cổ tích với khoảng gần 100 cư dân sinh sống. Người cao nhất khoảng gần 1,2m, thấp nhất khoảng 60cm.

Huyện Tư Trung ở thành phố Nội Giang (tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc), vốn nổi tiếng có phong cảnh như tranh, di tích lâu đời và con người tuyệt vời. Tuy nhiên, ẩn sâu trong thung lũng Tư Trung có một ngôi làng đặc biệt tưởng chừng chỉ tồn tại trong những câu chuyện cổ tích - đó là "làng người lùn".

Ngôi làng người lùn vốn nổi tiếng có phong cảnh như tranh

Ngôi làng người lùn vốn nổi tiếng có phong cảnh như tranh

Ngôi làng đặc biệt này có tên là Dương Minh Tự. Người trưởng thành nơi đây chỉ có chiều cao trung bình từ 80 - 120cm. Nguyên nhân của hiện tượng kỳ lạ này đến nay vẫn chưa thể xác định.

Chiều cao trung bình của người dân ngôi làng người lùn từ 80 - 120cm.

Chiều cao trung bình của người dân ngôi làng người lùn từ 80 - 120cm.

Theo Sohu, người dân truyền miệng rằng vào những năm 1930, ngôi làng ẩn mình trong thung lũng này bất ngờ bị bão quét qua trong đêm. Dân làng sau đó phải chịu những cơn đau nhức xương khớp, cơ chân đau giật bất thường và trở nên khập khiễng.

Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển có những dấu hiệu thay đổi thể chất rõ ràng hơn, đặc biệt là trẻ 3 - 4 tuổi. Xương sọ và các khớp xương trên cơ thể trở nên dày và cứng cáp hơn nhưng cũng dừng phát triển từ đó.

Dân làng khi đó cho rằng đó là bệnh truyền nhiễm nhưng không thể tìm ra nguồn gốc mầm bệnh, cách thức lây nhiễm cũng như không tìm ra cách chữa trị hữu hiệu. Họ bất lực nhìn "bệnh lùn" lây lan và ảnh hưởng khắp ngôi làng.

Trong thời đại y tế phát triển, tình trạng này được gọi là "bệnh lùn". Người mắc bệnh này được phát hiện nhiều trên thế giới nhưng không có tính tập trung như làng Dương Minh Tự.

Một số kết quả chụp X-quang của dân làng cho thấy, các khớp cơ thể không chỉ là dị tật cục bộ mà khe hở giữa khớp háng và chỏm xương đùi được nối với nhau, dính chặt với xương chậu khiến người bệnh đi lại, di chuyển khó khăn. Những thay đổi về xương như vậy khiến không gian tăng trưởng bị nén mạnh, biểu hiện chính là chiều cao ngừng phát triển.

Các chuyên gia suy đoán rằng trong đợt thiên tai những năm 1930, lương thực tích trữ trong ngôi làng bị ẩm mốc. Khi đó giao thông tắc nghẽn, địa hình hiểm trở, việc cứu trợ khó khăn nên dân làng chỉ có thể sử dụng thức ăn bị nấm mốc để giải quyết cơn đói.

Fusarium là loại nấm sinh ra từ nấm mốc, nếu người ăn phải sẽ bị ức chế sự phát triển của mô sụn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường. Nếu ăn loại nấm mốc này lâu ngày sẽ gây tổn thương xương và dần dần khiến xương khớp bị biến dạng, cuối cùng sẽ trở thành giống như người lùn bây giờ.

Nửa thế kỷ, dân làng Dương Minh Tự sống trong sự mặc cảm về ngoại hình và tách biệt với thế giới. Thời gian trôi qua, họ học được cách bình tĩnh đối mặt với mọi việc và nhìn cuộc sống một cách lạc quan.

Cuộc sống của người dân khá nghèo, nhưng họ sống chan hòa. Họ uống cùng một giếng nước, ăn lương thực canh tác từ một mảnh đất.

Một số kẻ dựng chuyện cho rằng, đây là quả báo của tổ tiên để lại do không chôn cất, cúng lễ chu đáo. Số khác cho rằng, do ăn thịt rùa nên phải chịu hậu họa.

Họ sống chủ yếu bằng nghề chăn cừu, đuổi đàn đi xa hàng chục km. Họ cũng phải lấy nước từ rất xa, chiều cao hạn chế gây khó cho họ trong trồng trọt, chăn nuôi.

Nhiều người đã bỏ làng ra đi do lo sợ hội chứng "ngắn người" ám ảnh, thế hệ sau đã cao hơn thế hệ trước, dù chỉ một chút.

Dù vậy, họ không ngừng vươn lên trong cuộc sống, nhiều người đã chịu khó học hành tử tế, có con đỗ đạt trường Đại học danh tiếng, và làm việc ở thành phố.

Ngày nay, ngôi làng được hoàn chỉnh với lực lượng cảnh sát và cứu hỏa riêng. Đồng thời, người dân ở đây còn quyết định xây dựng các ngôi nhà của mình theo văn hóa truyện cổ tích, biến nơi này trở thành điểm thu hút khách du lịch và tạo thu nhập cho bản thân.

KHÁNH LINH (T/h theo Vietnamnet, VOV)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bi-an-ngoi-lang-toan-nguoi-lun-nhu-trong-the-gioi-co-tich-204240731161943009.htm