Bí ẩn ngọn núi có lửa cháy suốt 6.000 năm chưa tắt
Nằm tại bang New South Wales, Australia, cách Sydney 224km về phía Bắc, một vỉa than dài 30m nằm sâu trong lòng núi Wingen đã cháy âm ỉ suốt 6.000 năm qua.
GD&TĐ - Nằm tại bang New South Wales, Australia, cách Sydney 224km về phía Bắc, một vỉa than dài 30m nằm sâu trong lòng núi Wingen đã cháy âm ỉ suốt 6.000 năm qua.
Vì lẽ đó, nơi đây còn có biệt danh nổi tiếng là núi Cháy (Burning Mountain).
Ngọn lửa nằm sâu trong lòng núi
Các vỉa than đá vốn phổ biến trên Trái đất. Ước tính, khoảng 1.000 vỉa than đang tạo ra ngọn lửa âm ỉ cháy, đặc biệt tại những quốc gia giàu khoáng sản than đá. Thực tế nhiều vụ cháy vỉa than được ghi nhận ở Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, do sự can thiệp của con người như khai thác than. Phần lớn những vỉa than này chỉ cháy trong vài ngày nhiều nhất là vài tháng.
Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Đơn cử, mỏ than Jharia ở Ấn Độ đã cháy liên tục trong hơn 100 năm qua. Dù vậy, nó vẫn “lép vế” khi so với vỉa than ở núi Wingen, còn gọi là núi Cháy, Australia vì đã cháy âm ỉ suốt 6.000 năm. Núi Cháy hiện sở hữu vỉa than đốt tự nhiên duy nhất tại Australia, đồng thời là mỏ than lâu đời nhất thế giới.
Theo truyền thuyết địa phương, từ “wingen” có nghĩa là “lửa”. Vào thời xa xưa, người Gumaroi đến từ phía Bắc dãy Liverpool, Australia, đã cử một nhóm tấn công xuống phía Nam để bắt phụ nữ người Wanaruah, sinh sống gần núi Cháy, về làm vợ.
Được một bộ tộc khác cảnh báo, những chiến binh Wanaruah đã dũng cảm đối đầu với kẻ thù trong khi những người vợ lặng lẽ trốn sau rìa núi. Sau cuộc chiến, nhiều người chồng mãi mãi không trở về.
Vì quá đau buồn, một người vợ đã cầu xin ngài Biami, vị thần của bầu trời, được quyên sinh theo chồng. Nghe lời thỉnh cầu của người phụ nữ, thần Biami đã biến nàng thành đá. Giọt nước mắt của nàng biến thành lửa và cháy liên tục trong lòng núi nên ngọn núi đó được đặt tên là núi Wingen, nghĩa là núi Cháy.
Các nhà khoa học từng cho rằng hoạt động của núi Cháy là dấu hiệu của núi lửa. Mãi đến năm 1829, nhà địa chất học Reverend C.P.N Wilton xác định nó là một đám cháy từ than đá ngầm nằm sâu 30m trong lòng núi Wingen. Chính mỏ than này đã và đang nuôi dưỡng ngọn lửa ngầm cháy âm ỉ hơn hàng nghìn năm nay.
Không ai biết chính xác ngọn lửa bắt đầu như thế nào nhưng các nhà khoa học cho rằng, nó được tạo thành từ một vụ sét đánh hoặc một đám cháy rừng. Cũng có giả thuyết cho rằng, nó xuất phát từ việc đốt lửa của thổ dân thời xưa.
Hoặc ngọn lửa tự đốt cháy. Quá trình này xảy ra khi vỉa than tiếp xúc với không khí, tạo ra phản ứng với oxy và tự bốc cháy. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi mức độ tự đốt nóng của than chỉ dao động từ 35 - 140 độ C.
Kể từ khi xuất hiện cách đây 6.000 năm, ngọn lửa tại núi Cháy đã di chuyển được 6km. Ước tính, mỗi năm nó lan rộng 1m. Với tốc độ này, ngọn lửa sẽ “tấn công” vùng ngoại ô Sydney trong khoảng 255.000 năm nữa.
Điểm du lịch cằn cỗi
Theo các nhà địa chất học, ngọn lửa ngầm như vậy không cháy thành đám lớn mà chỉ tích tụ trong thời gian dài giống như đun bếp củi. Quá trình cháy chậm khiến đất tại núi Cháy có màu sắc không đồng đều.
Ở những nơi đám cháy hoạt động thời gian dài, đất bị bạc màu, bề mặt không bằng phẳng. Mỗi ngày, nơi này thải ra không khí lượng CO2 khổng lồ. Do đó, thảm thực vật xung quanh khu vực này cũng bị ảnh hưởng, trở nên trơ trụi, cằn cỗi.
Con người sẽ không thể thấy trực tiếp ngọn lửa. Nếu đến thăm nơi đây, du khách chỉ thấy bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của nó là khói và tro trắng. Mặt đất ấm khi chạm vào, đá đổi sang màu vàng, đỏ cùng với mùi sulfuric tỏa ra khi ngọn lửa bên dưới âm ỉ đốt cháy các khoáng chất của núi rừng.
Ông Guillermo Rein, Giáo sư Khoa học về hỏa hoạn tại Trường Đại học Imperial London, Anh, cho biết: Không ai biết chính xác quy mô của ngọn lửa núi Cháy mà chỉ có thể ước lượng và suy luận. Chúng tôi dự đoán nó là quả bóng có đường kính 5 - 10m, đạt nhiệt độ lên đến 1.000 độ C.
Một điều gây tò mò là núi Cháy sẽ tiếp tục cháy trong bao lâu. Hiện chưa có câu trả lời cho câu hỏi này bởi các nhà khoa học chưa thể tính toán vỉa than trong lòng núi Cháy có kích thước chính xác là bao nhiêu hoặc nó sẽ tiếp tục di chuyển như thế nào. Cần lưu ý rằng, ngọn lửa này sẽ không thể dập tắt vì nó đã cháy hàng nghìn năm mà không có sự can thiệp của con người.
Đám cháy khiến ngọn núi nứt ra, cho phép oxy tiếp xúc trực tiếp với vỉa than nên lửa có thể lan rộng. Như vậy, núi Cháy tự tạo ra “ống khói riêng” và cung cấp nguồn oxy cho chính nó. Những đám cháy vỉa than nổi tiếng là khó dập tắt, đòi hỏi hàng tấn nước và khí nitơ lỏng.
Ngoài ra, nhiều người lo ngại ngọn lửa này có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho môi trường, sức khỏe và sự an toàn của con người. Các đám cháy vỉa than có thể phá hủy môi trường vì giải phóng lượng lớn CO2, mêtan cũng như các chất ô nhiễm khác như thủy ngân, trở thành nguyên nhân gây nên hiệu ứng nhà kính.
Tác động tiêu cực của đám cháy vỉa than đã được chứng minh từ ví dụ của thị trấn Centralia, bang Pennsylvania, Mỹ. Nơi đây là điểm có lửa than đá hoạt động ngầm, được liệt vào danh sách khu vực nguy hiểm nhất hành tinh. Ngọn lửa tại Centralia ngày càng lan rộng với mức nhiệt nóng nhất đạt tới 540 độ C, kèm khí độc như CO, sunfurơ...
Do đó, các nhà khoa học lo ngại, mức độ nguy hiểm của Centralia sẽ tái diễn với Sydney nếu vỉa than tại núi Cháy lan rộng đến khu vực này, dù câu chuyện hiểm họa khó diễn ra trong một sớm một chiều.
Bất chấp vẻ bề ngoài cằn cỗi, núi Cháy vẫn là điểm thu hút khách du lịch. Hàng năm, hàng nghìn người đổ về đây để chứng kiến ngọn lửa có tuổi thọ lâu đời nhất thế giới.