'Bí ẩn' niên đại thuyền cổ ở Bắc Ninh

Hiếm thấy cuộc khai quật khảo cổ nào mà việc xác định niên đại lại kéo dài đến vậy như thuyền cổ ở Bắc Ninh. Tính đến nay đã gần bốn tháng trôi qua kể từ hội thảo 'đầu bờ', niên đại thuyền cổ này vẫn ở dạng 'bí ẩn' khó lường. Chẳng lẽ, với công nghệ tiên tiến như hiện nay, việc xác định niên đại thuyền cổ vẫn chứa đựng sự phức tạp và khó khăn thế sao, hay vì một nguyên nhân chủ quan nào khác?

1. Trong những số báo trước, chúng tôi đã từng đề cập vì sao thuyền cổ ở Bắc Ninh bị bỏ lại trên sông Dâu cổ với những giả thiết khác nhau, rằng nó có thể bị đắm hoặc việc đóng thuyền gặp khó khăn. Nhưng tại thời điểm này, giả thuyết trên gần như bị bác bỏ bởi vừa xuất hiện thông tin mới, theo đó khi nhóm khai quật tiếp tục bóc tách phần mạn tàu đã xuất lộ những vết cháy khá lớn. Làm rõ hơn những vết cháy này, nhóm khai quật mở rộng thêm diện tích khai quật và khẳng định thuyền cổ này đã bị cháy rộng.

Đại diện nhóm khai quật cho biết, thuyền hai đáy ở Bắc Ninh bị cháy ở phần mạn bên trên, còn phần chìm ở dưới nước không bị cháy. Tuy nhiên, phần mạn tiếp xúc giữa nước và lửa đã bị om lửa nên khả năng toàn bộ kết cấu bên trên thuyền bị cháy. "Khi bị cháy thành than, dòng chảy của nước sẽ cuốn trôi toàn bộ than, và vì thế không còn lại vết tích gì ở đây. Mức độ cháy có lẽ rất lớn. Không biết đấy có phải là nguyên nhân khiến thuyền song thân, hai đáy bị bỏ lại không hay là nó bị cháy về sau", đại diện nhóm khai quật cho hay.

Hiện trường khai quật chiếc thuyền cổ năm 2025.

Hiện trường khai quật chiếc thuyền cổ năm 2025.

Sự thật là thuyền cổ ở Bắc Ninh đã bị cháy. Diện tích bị cháy là khá lớn, có thể phần bên thuyền đã bị cháy toàn bộ, không để lại dấu tích nào trong quá trình khai quật, nên người xưa đã bỏ thuyền lại. Nhận định này càng có cơ sở khi nhóm khai quật đã tìm thấy những đoạn gỗ trên thuyền bị cháy. Chúng có kích thước khá lớn. Vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu là vì sao thuyền bị cháy, có khả năng bị đốt phá không hay đây là thuyền lễ nghi nên trong thực hành nghi lễ đã xảy ra cháy?

Trở lại với việc xác định niên đại thuyền cổ ở Bắc Ninh. Người xưa có câu, "bất niên đại, phi thành sử". Nếu không xác định được niên đại sẽ rất khó đoán định về mặt giá trị lịch sử, văn hóa của hiện vật. Thuyền cổ ở Bắc Ninh được phát lộ từ cuối năm 2024, và ngay sau đó đã tiến hành khai quật khẩn cấp. Trong quá trình khai quật, nhóm khai quật chỉ tìm thấy ba mảnh gốm và vô số thảo quả, ngoài ra không có hiện vật nào đủ để làm căn cứ góp phần xác định niên đại.

Về ba mảnh gốm này, TS Nguyễn Việt, chuyên gia nghiên cứu thuyền cổ Đông Sơn bước đầu nhận định, nó có thể thuộc thời Đông Sơn muộn, cách đây khoảng 2000 năm. Nhưng mới đây có ý kiến khác cho rằng, nhận định của TS Nguyễn Việt có sự nhầm lẫn, chưa đủ tư liệu để xác định ba mảnh gốm phát hiện trong lòng thuyền cổ ở Bắc Ninh thuộc văn hóa Đông Sơn muộn. Cũng trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã lấy mẫu vật gỗ của thuyền cổ cũng như hạt thảo quả mang đi giám định niên đại. Tính đến nay cũng đã 5 tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các bên liên quan đến việc khai quật thuyền cổ ở Bắc Ninh vẫn chưa công bố niên đại. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với đại diện nhóm khai quật để hỏi về kết quả niên đại thuyền cổ ở Bắc Ninh, nhưng không được hồi âm.

2. Theo một nhà nghiên cứu khảo cổ, việc xác định niên đại hiện vật của cuộc khai quật có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính quyết định về giá trị của cuộc khai quật đó, nên ai nấy cũng đều thận trọng, tránh bị hớ như một số cuộc khai quật trước đây. Nhưng dù thận trọng đến mức nào thì cũng không thể kéo quá dài thời gian công bố kết quả niên đại.

Thông thường, đối với hiện vật, nhóm hiện vật không quá phức tạp thì chỉ sau khoảng 2 tháng, nhóm khai quật đã có thể công bố niên đại sau khi thực hiện bằng phương pháp xác định C14. Đối với hiện vật, nhóm hiện vật phức tạp, chưa bắt gặp bao giờ, nghĩa là không có hiện vật khác để đối chiếu, tham khảo thì thời gian nghiên cứu, xác định niên đại có thể kéo dài hơn, nhưng cũng không quá 4 tháng.

"Đối với hiện vật mẫu gỗ hay thảo quả, nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Việt, chuyên gia về thuyền cổ Đông Sơn đã nhiều lần tiến hành xác định niên đại cả ở trong và ngoài nước. Thời gian xác định niên đại cũng chỉ mất 2 tháng là có kết quả. Còn thời gian xác định niên đại thuyền cổ ở Bắc Ninh có lẽ hơi lâu, nếu không dám nói họ đã quá thận trọng. Sau 5 tháng mà chưa công bố kết quả niên đại thuyền cổ cũng là dấu hỏi đáng quan tâm", một nhà nghiên cứu khảo cổ cho biết.

Trước đó, theo báo cáo sơ bộ của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, "các nhà khoa học đều thống nhất, niên đại cụ thể sẽ chờ đợi kết quả phân tích C14, nhưng căn cứ vào kỹ thuật cho thấy, loại hình thuyền này thường có niên đại sớm và có thể được đóng tại Việt Nam, là sự phát triển tiếp nối của kỹ thuật đóng thuyền thời văn hóa Đông Sơn thông qua việc so sánh phần đáy của hai thân với kết cấu độc mộc (được làm từ một thân cây) và kỹ thuật mộng ghép.

Căn cứ trên các tài liệu thuyền của Trung Quốc và thế giới, có ý kiến cho rằng, thuyền có niên đại trong khoảng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV (thời Lý và thời Trần), và không thể muộn hơn thế kỷ XV và có ảnh hưởng kỹ thuật từ phía Nam lên". Nghiêng về niên đại thế kỷ XI đến thế kỷ XIV là PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam và PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện Khảo cổ. "Không thể có trước thế kỷ X và cũng không thể có sau thế kỷ XV. Nó có thể thuộc thời Lý, Trần", PGS.TS Tống Trung Tín nhận định.

Như đã đề cập, TS Nguyễn Việt, chuyên gia nghiên cứu thuyền cổ Đông Sơn, khi mới nhìn hình thuyền cổ trên báo chí và mạng xã hội, ban đầu ông cũng nghiêng về phương án niên đại thuyền cổ ở Bắc Ninh có thể thuộc thế kỷ X hoặc thế kỷ XI. Nhưng tại cuộc hội thảo "đầu bờ" diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, TS Nguyễn Việt đưa ra nhận định mới, đó là niên đại thuyền cổ ở Bắc Ninh thuộc văn hóa Đông Sơn muộn. Kết hợp với nghiên cứu sâu ba mảnh gốm phát hiện trong lòng thuyền cổ, ông càng khẳng định, thuyền cổ ở Bắc Ninh có niên đại cách nay khoảng 2000 năm.

3. Có hay không "bí ẩn" niên đại thuyền cổ ở Bắc Ninh. Câu hỏi này sẽ chờ các bên liên quan đến cuộc khai quật trả lời. Tuy nhiên, mới đây, theo thông tin chúng tôi có được, thuyền cổ ở Bắc Ninh bước đầu xác định cách đây khoảng 1.800 năm, thuộc thế kỷ IV đến thế kỷ VI sau công nguyên. Đây có thể là thuyền nước ngoài, do bị cháy nên đã bị bỏ lại.

"Khi có mặt tại hiện trường khai quật, một số nhà nghiên cứu sâu về thuyền cổ trong nước và nước ngoài đã nhận diện, đây khó có thể là thuyền thuộc thời Lý, Trần. Dấu ấn văn hóa Đông Sơn là có nhưng không thể là thuyền do người Việt xưa đóng. Vì có quá nhiều ý kiến cho rằng thuyền cổ ở Bắc Ninh chỉ có thể thuộc thời Lý, Trần nên một số nhà nghiên cứu chuyên sâu về thuyền ngại nói ra, sợ mếch lòng", nguồn tin cho hay.

Một yếu tố khác cần được lưu đý, đó là "xưa kia đô thị Luy Lâu thời Sĩ Nhiếp nằm ở một đồng bằng mini cực đẹp, kiểm soát toàn bộ đồng bằng sông Hồng và sông Thái Bình. Dựa vào hệ thống sông ngòi cổ dày đặc, từ Luy Lâu dễ đi đường sông lên phía Bắc, dễ đi ra biển phía Đông (rồi ngược lên Quảng Yên, Quảng Ninh, rồi Quảng Đông; hoặc men theo bờ biển mà xuống Chàm, hoặc đi về phía Nam Đảo). Luy Lâu là một thành nhỏ, phía Bắc của thành là con sông Đuống chạy ngang (Tây Đông), bên cạnh thành là con sông Dâu (một con sông cổ) chạy dọc xuống (Bắc Nam). Thành ở bên tả ngạn.

Dọc theo bờ sông, kéo dài khoảng hơn 1 km, là thành Luy Lâu, chùa Dâu, (nay còn chợ Dâu), đối diện bên kia sông (hữu ngạn) là Hà Mãn. Vì thế mật độ giao thương là rất lớn, tàu thuyền qua lại nhiều", một nhà nghiên cứu cho biết. Cũng vì thế tàu thuyền ở nước ngoài xuất hiện nhiều. Việc phát hiện thuyền cổ bị đắm do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng là điều dễ hiểu.

Vậy là cho đến nay, niên đại thật của thuyền cổ ở Bắc Ninh vẫn là sự "bí ẩn", và mang tính chủ quan là phần nhiều. Dư luận có quyền đòi hỏi các bên liên quan đến cuộc khai quật khảo cổ thuyền cổ ở Bắc Ninh nên công bố sớm kết quả phân tích niên đại.

Tăng Triều Tín

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/bi-an-nien-dai-thuyen-co-o-bac-ninh-i774338/