Nghệ sĩ Mỹ dùng... ruồi vẽ tranh
Một nghệ sĩ Mỹ đã chọn cách tưởng chừng kỳ dị là dùng.. ruồi để vẽ tranh, biến nó thành dấu ấn nghệ thuật độc đáo của riêng mình.

Nghệ sĩ John Knuth cùng các "cộng sự" của mình. Ảnh: John Knuth
Khi ruồi trở thành họa sĩ
Một buổi sáng khi nghệ sĩ John Knuth, 46 tuổi, đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm, cảnh sát bất ngờ gõ cửa vì nhận được tin báo có quá nhiều ruồi bay ra từ phòng trưng bày và nghi ngờ có… xác chết bên trong. Nhưng thủ phạm thực chất lại những “cộng sự” vẽ tranh của ông: hàng trăm nghìn con ruồi .
“Chúng đang vẽ tranh cho tôi,” ông Knuth giải thích. Suốt hơn một thập kỷ, ông đã tạo ra tranh bằng cách cho ruồi ăn hỗn hợp sơn acrylic và đường, rồi để chúng… nôn ra màu lên vải.
“Ruồi tiêu hóa bên ngoài. Chúng liên tục nôn ra rồi hút lại. Và tôi có được những kết nối màu sắc thực sự siêu việt”, ông chia sẻ.
Dù nghe có vẻ kỳ dị, tác phẩm của ông được giới phê bình đánh giá cao vì sự sống động, ranh giới mờ giữa tự nhiên và trừu tượng. Chính cảnh sát, sau khi chứng kiến tận mắt cũng thốt phải lên: “Thật tuyệt vời.”
Ông Knuth lớn lên ở vùng ngoại ô Minneapolis & St. Paul, dành cả tuổi thơ bắt rắn, ếch, rùa, câu cá, niềm đam mê động vật theo ông từ nhỏ. Ông từng pha nọc rắn đuôi chuông với sơn, dát vàng lên xương của chó sói đồng cỏ, tạo cua móng ngựa bằng lá vàng.
Ngay cả ông cũng bật cười khi nhớ lại: “Có lúc tôi nghĩ: Sao mình không vẽ tranh khỏa thân hoặc tìm một nàng thơ như người ta?”
Ý tưởng dùng ruồi đến vào năm 2003, sau khi ông đọc được rằng ruồi từng gây đau khổ cho con người hơn cả chiến tranh. Ông đã thử buộc máy bay giấy vào ruồi như một “không quân sinh học”, rồi bất ngờ nhận ra chất nôn của chúng có màu như sơn.
Sau nhiều thử nghiệm, bước ngoặt lớn đến vào năm 2013 khi Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Los Angeles mời ông thực hiện một “tác phẩm lớn” về tranh ruồi, mở đầu cho sự nghiệp quốc tế của ông.


Một số bức tranh được tạo ra từ ruồi của nghệ sĩ John Knuth. Ảnh: John Knuth
Những gì còn lại sau ngọn lửa
Triển lãm The Hot Garden đang diễn ra tại phòng tranh Hollis Taggart, là triển lãm cá nhân thứ 3 của ông Knuth tại New York.
Sau vụ cháy rừng tại Los Angeles hồi đầu năm khiến ông mất toàn bộ ngôi nhà, kho lưu trữ và ký ức 25 năm sự nghiệp, ông Knuth muốn đưa ngọn lửa vào tranh, không chỉ như một chất liệu, mà như một phần đời thật.
“Hàng trăm nghệ sĩ đã bị ảnh hưởng bởi vụ cháy rừng. Riêng khu phố tôi đã có năm nghệ sĩ mất nhà. Đây là một biến cố thay đổi cả một thế hệ sáng tác,” ông nói.
Trong tranh tiêu đề The Hot Garden, Knuth kéo sơn trên vải để tạo họa tiết giống ngọn lửa, mô tả “cảnh quan méo mó và đau khổ”.
Với bức January 7, ngày ông tận mắt chứng kiến nhà mình chìm trong lửa, ông dùng đốm ruồi đỏ, tím oải hương và xanh lá để tạo tông màu “tối tăm và đáng ngại”, gợi khói và tro.
Dù được giới phê bình và các nhà sưu tập danh tiếng đón nhận, ông Knuth vẫn không giấu được nỗi tiếc nuối. “Toàn bộ kho lưu trữ của tôi đã biến mất. Đó là 25 năm đầu tiên của sự nghiệp. Tôi không chắc mình đã vượt qua. Nhưng bận rộn là một điều tốt”, ông thoáng buồn.
Giờ đây, tại xưởng mới ở Pasadena, ông tiếp tục làm việc bên hàng nghìn con ruồi, cùng những tác phẩm còn dang dở: những con rắn sơn đỏ, nhím biển dát vàng và ruồi chết mắc kẹt trên quả cầu dính bẫy.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/nghe-si-my-dung-ruoi-ve-tranh-152329.html