Bí ẩn quanh những xác chết không phân hủy
Ướp xác từ lâu đã là một cách để bảo vệ thi thể tồn tại qua thời gian, nhưng bên cạnh đó, còn xuất hiện những hiện tượng bí ẩn thi thể bất hoại mà không cần trải qua ướp xác.
Hiện tượng bí ẩn thi thể bất hoại ( xác chết không phân hủy) mà không cần trải qua ướp xác từ lâu đã là một điều mà các nhà khoa học vẫn đang cố gắng nghiên cứu để tìm lời giải thích xác đáng.
Xác ướp Sangha Tenzin
Trong một ngôi nhà nhỏ xíu, là nhà cầu siêu, trên đỉnh một quả núi trơ trọi đá và lộng gió, có một thi hài vô cùng đặc biệt. Thi hài đã ngồi bó gối suốt 600 năm qua. Mặc cho thế sự xoay vần, mặc cho thuyết chuyển hóa vật chất, xác ướp vẫn ngồi đó thách thức thời gian, thách thức các nhà khoa học. Trong giới Phật giáo Tây Tạng, thì chuyện các thiền sư lỗi lạc, các tăng ni khi hóa biến thành xác ướp không có gì lạ lùng. Nhiều thiền sư, khi biết mình không sống được nữa, thì họ vào hang đá ngồi thiền. Người khác sẽ xếp đá bít cửa hang lại, chỉ để hở một lỗ nhỏ bằng ngón tay để không khí lưu thông.
Trong nhiều tháng trời, họ không ăn gì, chỉ uống chút nước. Họ ngồi trong hang theo tư thế kiết già. Tinh thần của các thiền sư thoát khỏi thể xác. Vài tháng sau, nếu thấy cửa hang có mùi hôi, thì chắc chắn thiền sư đó đã chết thối, họ sẽ mở hang đem chôn. Nhưng nếu thấy mùi thơm lan tỏa, thì vị thiền sư đã biến thành xá lợi toàn thân. Thiền sư đã trở thành một pho tượng bất tử bằng thịt xương. Nhưng các nhà khoa học phương Tây không tin đều đó. Họ nghĩ rằng, các thiền sư này đã sử dụng bí quyết nào đó để ướp xác mình như xác chết 600 năm. Có thể họ uống một loại độc tố đặc biệt, để vi trùng không sinh sôi được, xác khô quắt lại và biến thành xác ướp.
John Torrington
Đôi khi thiên nhiên có thể bảo quản thi thể còn tốt hơn cả kỹ thuật ướp xác của con người. Ví như trường hợp của John Torrington, một cán bộ thám hiểm Bắc Cực. Ông qua đời vì nhiễm độc chì ở tuổi 20 và được chôn cất tại cao nguyên lạnh giá cùng với ba người khác ngay ở trang trại của đoàn thám hiểm.
Trong những năm 1980, ngôi mộ của ông được khai quật bởi các nhà khoa học để tìm hiểu nguyên nhân của sự thất bại của đoàn thám hiểm. Khi họ mở quan tài và làm tan khối băng bên trong, họ rất ngạc nhiên, và sợ hãi, bởi thi thể John Torrington nguyên vẹn như vẫn còn sống.
Được đông lạnh trong một khối băng trong suốt hơn 150 năm, và thi thể của ông đã được bảo quản hoàn hảo. Dấu hiệu duy nhất của sự phân hủy chỉ là sự teo lại của mí mắt và môi. Ngoài Torrington, các nhà khao học còn khai quật thi thể của John và William Hartnell Braine. Cả hai cũng đã được bảo quan đông lạnh như vậy.
La Doncella
Hơn 500 năm trước, một bé gái 15 tuổi La Doncella và hai đứa trẻ khác đã bị người Inca đóng băng đến chết trong một nghi lễ tôn giáo. Trong tư thế ngồi bắt chéo chân trên đỉnh núi Llullaillaco, cô đã bị ép dùng thuốc với chicha và coca để chìm sâu vào giấc ngủ thiên thu như nghi lễ hiến sinh cho Chúa trời.
Năm 1999, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra 3 thi thể này gần như còn nguyên vẹn hình hài trong dãy núi Andes. Mái tóc cô bé thậm chí vẫn được tết rất công phu như lúc cô qua đời.
Lạt ma Dashi-Dorzho Itigilov
Ông là một vị tu sĩ lạt ma Phật giáo người Nga chết vào năm 1927. Thể theo di nguyện của ông, vị lạt ma đã được chôn cất trong tư thế ngồi thiền hoa sen và mặc áo choàng tu hành. Vào năm 1955, các tu sĩ khai quật thi thể của ông và phát hiện nó hoàn toàn nguyên vẹn.
Năm 1973, thi thể lạt ma lại được khai quật và tình trạng vẫn như cũ không hề bị phân hủy. Năm 2002, xác ướp vị lạt ma được chính phủ công nhận là một di tích thiêng liêng của Hội Phật giáo và được đặt trong một ngôi đền cùng tên cho đến ngày nay.
Thi thể Thánh Bernadette
Thánh Bernadette mất vào năm 1879 và được khai quật vào năm 1909, tuy nhiên, thi thể của Thánh nữ không hề phân hủy. Sau đó, Thánh Bernadette được chôn trở lại và đào lên năm 1923. Sau lần khai quật mộ thứ 3, thi thể của Thánh nữ đã được giải phẫu và phát hiện ra ngay cả cơ quan nội tạng cũng còn nguyên vẹn và khá mềm, dễ uốn. Hai bàn tay và khuôn mặt của Thánh Bernadette trông vẫn rất sống động, nhưng đó là do đã được bọc sáp. Bên dưới lớp sáp, lớp da đã hóa nâu.
Dù khoa học vẫn chưa lý giải được tại sao thi thể có thể được bảo quản “siêu tốt” mà không ướp xác hay có tác động từ môi trường nào, nhưng theo các nhà khoa học, thi thể cuối cùng vẫn sẽ bị phân hủy, chỉ là vấn đề về thời gian mà thôi. Hiện, Thánh Bernadette được trưng bày tại Nhà thờ Thánh Gildard tại Nevers, Pháp.