Bí ẩn quanh vụ máy bay chở vũ khí gặp nạn ở Hy Lạp
Vụ máy bay Ukraine chở vũ khí của Serbia rơi ở Hy Lạp đang để lại nhiều câu hỏi nghi vấn. Sự việc cũng thu hút sự chú ý đến ngành công nghiệp vũ khí của Serbia, vốn bị nghi là có nhiều hoạt động xuất khẩu bất hợp pháp.
Chủ hàng có thể là “trùm” vũ khí Balkan
Vào tối muộn 16-7-2022, một chiếc máy bay vận tải Antonov An-12 của Ukraine đã bị rơi gần thành phố Kavala, phía Đông Bắc Hy Lạp, khiến cả 8 thành viên phi hành đoàn Ukraine thiệt mạng. Máy bay cất cánh từ thành phố Nis, miền Nam Serbia, mang theo 11,5 tấn đạn cối và mìn do Serbia sản xuất và đích đến là Bangladesh. Phi công đã báo cáo về sự cố động cơ ngay sau khi máy bay cất cánh và bay trên vùng biển Aegean. Vụ tai nạn gần Kavala rất kinh hoàng và bom đạn tiếp tục phát nổ vào ngày hôm sau.
Người đứng sau lô vũ khí này được cho là Slobodan Tesic, năm nay 64 tuổi, “trùm” kinh doanh vũ khí ở Balkan nhiều thập kỷ. Từ năm 2003 đến năm 2013, ông ta nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ vì đã giao vũ khí trái phép cho Liberia. Vào tháng 12-2017, lệnh trừng phạt một lần nữa được áp dụng đối với người này và còn nguyên hiệu lực cho đến nay, trong đó có lệnh cấm đi lại và tịch thu tài sản có trụ sở tại Mỹ.
Ông Tesic cũng là trung tâm của nhiều vụ tham nhũng trong ngành công nghiệp vũ khí Serbia. Năm 2019, Tesic bị phanh phui mua vũ khí từ công ty nhà nước Krusik thấp hơn giá thị trường rồi bán với giá cao hơn nhiều ở nước ngoài, mặc dù công ty nhà nước Yugoimport SDPR chịu trách nhiệm quản lý các giao dịch vũ khí quốc tế của Serbia. Trong khi đó, Tesic lại là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho đảng Đảng Cấp tiến Serbia (SNS), do Tổng thống Aleksander Vucic đứng đầu. Theo truyền thông Serbia, ông ta cũng có hộ chiếu ngoại giao.
Không có gì ngạc nhiên khi tên của ông Tesic nổi lên liên quan đến chuyến bay chở vũ khí cho Bangladesh. Ông ta được cho là đứng sau Valir DOO, công ty chịu trách nhiệm chính thức cho thương vụ này. Cũng có suy đoán về việc liệu số vũ khí này không phải thực sự dành cho Bangladesh mà đích đến là Ukraine.
“Nhiều người muốn biết tại sao một máy bay Ukraine lại vận chuyển vũ khí của Serbia, trong khi một cuộc xung đột quốc tế lớn đang hoành hành trên lãnh thổ Ukraine?”, nhà khoa học chính trị Vuk Vuksanovic thuộc Trung tâm Chính sách An ninh Belgrade cho biết.
Phản ánh chính sách ngoại giao trong khu vực
Vụ tai nạn đã gây căng thẳng cho quan hệ ngoại giao giữa Hy Lạp với Serbia và Ukraine. Chính phủ Hy Lạp rõ ràng không biết về số hàng hóa nhạy cảm này và họ đã bày tỏ phản đối đến cả Serbia lẫn Ukraine. Ông Vuksanovic cho rằng, chuyến bay mang tính bí mật này thể hiện chính sách của Belgrade nhằm cố gắng cân bằng quan hệ với các cường quốc quốc tế lớn. “Một mặt, vũ khí bí mật chuyển tới Ukraine để làm hài lòng phương Tây. Mặt khác, Serbia không muốn lộ ra vì họ nể Nga”, chuyên gia Vuksanovic giải thích.
Sự việc cũng thu hút sự chú ý đến ngành công nghiệp vũ khí của Serbia, vốn bị nghi là có nhiều hoạt động xuất khẩu bất hợp pháp. Serbia là một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất và quan trọng nhất ở Trung Âu. Serbia có gần như tất cả mọi mặt hàng, từ súng ngắn, mìn đến pháo và xe tăng, thậm chí cả hệ thống tên lửa, máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và thiết bị điện tử như radar. Bộ Quốc phòng Serbia ước tính, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của nước này vào năm 2020 vào khoảng 600 triệu USD (530 triệu euro), chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Những khách hàng mua vũ khí và thiết bị quân sự quan trọng nhất của Serbia là Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, CH Cyprus, Mỹ, Bulgaria và Saudi Arabia. “Nhà nước Serbia thực sự không kén chọn đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, lằn ranh đỏ là các quốc gia phải không chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và không được xảy ra xung đột vũ trang. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng tuân theo những quy tắc này”, ông Vuk Vuksanovic nhận định.
Vào mùa thu năm 2019, có thông tin tiết lộ rằng, vũ khí của Serbia đã lọt vào tay các chiến binh Hồi giáo ở Yemen thông qua Saudi Arabia. Vào mùa hè năm 2020, quân đội Azerbaijan đã phát hiện ra vũ khí của Serbia đã được bán cho Armenia và đổ vào khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Vào tháng 2 năm nay, một mạng lưới các nhà báo điều tra của Serbia đã phát hiện ra rằng vũ khí của Serbia đã được chuyển đến Myanmar ngay sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2-2021.