Bí ẩn về 'sự dịch chuyển bất thường' của hệ thống tên lửa Nga chuyển giao cho Syria
Một video vừa công bố cho thấy hệ thống Kornet của Nga bất ngờ xuất hiện trong một căn hầm bí mật. Vũ khí Nga chuyển giao cho Syria sao lại nằm trong tay người khác?
Hệ thống tên lửa Nga chuyển giao cho Syria cuối cùng lại nằm trong tay người Palestine.
Kênh truyền hình Ả Rập Al-Jazeera vừa công bố một báo cáo được ghi lại ở Dải Gaza, trong đó các chuyên gia xác định, nhiều hệ thống tên lửa chống tăng Kornet của Nga xuất hiện ở Dải Gaza. Đây là hệ thống tên lửa được đưa vào trang bị cho quân đội Syria khoảng 10-15 năm trước. Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet của Nga là loại vũ khí luôn trong tình trạng khan hiếm. Vì vậy, các chuyên gia nhận định đây là "sự dịch chuyển bất thường".
“Hôm qua (1/6) Al-Jazeera đã công bố đoạn video được ghi lại trong một đường hầm. Một số hệ thống tên lửa Kornet đã xuất hiện trong đoạn video và ngay lập tức nó trở thành tâm điểm. Việc kiểm tra kỹ lưỡng các hệ thống tên lửa Kornet (9M133) của Nga đã giúp chúng ta có thể khẳng định, những hệ thống này được sản xuất từ năm 2004 đến năm 2008 và được phía Nga giao cho Syria”, một báo cáo với tiêu đề Năng lực quân sự của Syria cho biết.
Cần lưu ý rằng trong cuộc xung đột vũ trang kéo dài 11 ngày giữa người Palestine và người Israel, ít nhất 2 xe tăng và một xe bọc thép của Israel đã bị phá hủy với sự tấn công của tổ hợp Kornet.
Vẫn chưa rõ loại vũ khí nguy hiểm này được chuyển đến Dải Gaza trong tình huống nào. Nhưng, những hành động không kiểm soát chặt khí tài của quân đội Syria có thể khiến Nga hạn chế cung cấp vũ khí cho nước Cộng hòa Ả Rập Syria.
Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet sở hữu sức mạnh đáng sợ, những gì nó đã thể hiện trên các chiến trường đã chứng minh điều đó.
Kornet do công ty Thiết bị máy Tula phát triển. Hệ thống này dùng tên lửa điều khiển chống tăng dẫn đường. Chúng được thiết kế để tấn công xe tăng, xe bọc thép và cả hệ thống phòng thủ di động hiện đại.
Năm 1988, Kornet được Nga đưa vào biên chế và đã bán cho nhiều nước. Tuy nhiên, phải đến năm 2003, hệ thống này mới được đưa vào thực chiến và sau đó, nó xuất hiện liên tục trong các cuộc xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi.
Mỗi tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet gồm có ba thành phần chính gồm: tên lửa 9M133, giá phóng 9P163-1 và kính ngắm nhiệt 1PN79-1. Kornet có thể được vận hành độc lập với kíp pháo thủ 2 người hoặc có thể gắn lên các loại xe cơ giới, thậm chí cả tàu chiến. Một đặc tính khác khiến Kornet trở nên đáng sợ chính là sử dụng hệ dẫn đường laser bán tự động (SACLOS).
Kornet liên tục được hiện đại hóa. Phiên bản cải tiến Kornet-D có khả năng xuyên giáp lên tới 1.300 mm, với tầm bắn lên đến 10 km. Điều đặc biệt ở hệ thống chống tăng Kornet là có thể phóng hai quả tên lửa cùng một lúc. Điều này có thể giúp nó vượt qua khả năng phòng vệ của nhiều loại khí tài hiện đại. Tên lửa có cỡ nòng 152 mm, ngoài bộ phận tấn công, còn được lắp đặt một phần nhiệt áp, giúp chế áp các điểm hỏa lực của đối phương.
HÒA AN (Theo AVP)