Bí ẩn vệt khắc trên phiến đá cổ của người Mông ở Tây Bắc

Phiến đá cổ ở xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) in những vệt khắc phần nào hé mở bí ẩn về cách chia ruộng của người Mông từ xa xưa.

Bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) là điểm hút khách du lịch ở Lai Châu. Bản là nơi sinh sống của người dân tộc Mông, nằm cách trung tâm TP Lai Châu khoảng 30km, ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm.

Gần 10 năm nay, Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng với cách làm bài bản, nhiều du khách hài lòng khi sử dụng dịch vụ tại đây. Bên cạnh vẻ đẹp của ruộng bậc thang đặc trưng miền Tây Bắc, Sin Suối Hồ còn là nơi lưu giữ những phiến đá cổ mang những vệt khắc đặc biệt.

Phiến đá cổ giải mã cách chia ruộng cổ xưa của người Mông ở Sin Suối Hồ. Ảnh: X.Đ

Phiến đá cổ giải mã cách chia ruộng cổ xưa của người Mông ở Sin Suối Hồ. Ảnh: X.Đ

Theo ông Vàng A Chỉnh, trưởng bản Sin Suối Hồ, phiến đá cổ có các vệt chạm khắc được người dân gọi bằng tên dễ nhớ là "đá sổ đỏ". Tên gọi trên xuất phát từ việc, người dân tộc Mông xa xưa dùng các vệt khắc trên phiến đá để thay cho việc chứng minh quyền sở hữu một khoảnh ruộng vừa được khai khẩn.

"Mỗi vạch khắc được quy ra tương đương với một khoảnh ruộng bậc thang đã được khai hoang", ông Chỉnh chia sẻ.

Theo ông Chỉnh, hiện nay, những phiến đá cổ này còn tạo giá trị trong việc thu hút khách tham quan khi đến bản du lịch Sin Suối Hồ. Chính quyền xã đã đặt một tấm biển chỉ dẫn với dòng chữ: Đá sổ đỏ - di sản cổ đại của người Mông. Với tấm biển chỉ dẫn này, nhiều người khi đến Sin Suối Hồ không khỏi tò mò và tìm đến tận nơi để khám phá.

Theo Trưởng bản Sin Suối Hồ, hiện chưa có tài liệu nào khẳng định tính chính xác về việc chia ruộng thông qua vệt khắc trên phiến đá cổ. Tuy nhiên, thông qua các hình khắc và tập quán của người Mông trên địa bàn, thì cách hiểu mỗi vạch khắc tương ứng với một thửa ruộng có thể là một gợi ý cho các nhà nghiên cứu.

Một góc bản du lịch Sin Suối Hồ. Ảnh: L.U

Một góc bản du lịch Sin Suối Hồ. Ảnh: L.U

"Những vệt khắc trên phiến đá cổ có tạo hình giống với các ô ruộng bậc thang ở bản Sin Suối Hồ. Đối chiếu với địa hình và các ruộng bậc thang, những vệt khắc trên phiến đá cổ phù hợp với các thung lũng, sườn đồi và cách bố trí nguồn nước chảy xuống ruộng bậc thang", ông Chỉnh thông tin thêm.

Mục sở thị những phiến đá cổ tại Sin Suối Hồ cho thấy, phiến đá nằm trên sườn đồi thoai thoải, có vị trí gần nhà dân. Trên phiến đá là những vết khắc có trật tự, nhìn tổng thể không khó để nhận ra các vệt khắc đang nhắc đến những ô ruộng bậc thang uốn lượn, chồng lên nhau như nét đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

Trên phiến đá cổ còn hiện rõ những vệt khắc dạng chữ viết thông qua các hình khối biểu thị một thông điệp, dụng ý nhất định. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tài liệu nào giải mã được những kí tự nêu trên.

Nhiều năm qua, phiến đá cổ vẫn hiện diện trong đời sống của bao thế hệ người dân tộc Mông ở bản Sin Suối Hồ. Những người am hiểu về địa phương này cho rằng, phiến đá còn phản ánh thực tế quản lý đất đai của người xưa. Bí ẩn về những phiến đá cổ đã tạo nên điểm nhấn, thu hút khách du lịch mỗi khi đến với Sin Suối Hồ.

Đoàn Bổng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bi-an-vet-khac-tren-phien-da-co-cua-nguoi-mong-o-tay-bac-2287481.html