Bị bán sang biên giới sau khi uống nước của người lạ
Kinhtedothi- Sau khi hẹn gặp người đàn ông lạ ở quán nước, Sùng (dân tộc H'Mông) ở Yên Bái đã rơi vào mê man. Lúc tỉnh dậy, cô mới biết mình bị bán sang Trung Quốc để làm cô dâu. Trong vòng 2 năm, Sùng bị bán cho 5 người đàn ông để làm việc nhà và làm vợ.
Gần 1.300 vụ buôn bán người được phát hiện
Câu chuyện của Sùng chỉ là một lát cắt nhỏ trong số hơn 1.300 vụ buôn bán người được Bộ Công an phát hiện từ năm 2015 đến năm 2020. Theo đó, trong khoảng thời gian này lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ với gần 1.700 đối tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người; trong đó, kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố 17 vụ, đang điều tra 15 vụ….
Đáng chú ý, không chỉ có trẻ em, cả người lớn cũng bị lừa bán từ các mối quan hệ trên mạng xã hội. Nạn nhân đã bị mua bán bằng những thủ đoạn tinh vi, dẫn đến bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn… ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em.
Sùng trở thành nạn nhân trong tình huống được người lạ tiếp cận, làm quen qua điện thoại vào cuối năm 2017. Sau một thời gian nói chuyện, người này hẹn gặp Sùng tại xã. Khi gặp cô gái vùng cao nhẹ dạ đã được người lạ đưa nước cho uống. Uống xong cô ngất đi, li bì mê man. Lúc tỉnh dậy Sùng mới biết mình bị đưa tới Trung Quốc để làm cô dâu.
Trong vòng 2 năm, Sùng bị bán cho 5 người đàn ông. Những người này bắt cô làm nô lệ, tra tấn và lạm dụng tình dục đến mức cô không còn khả năng kháng cự mà chỉ biết câm nín chịu đựng. Cô bị giam cầm trong một ngôi nhà mà không có điện thoại hay bất kỳ cách thức liên lạc nào với bên ngoài.
Rồi vận may đến khi gần ngôi nhà Sùng bị giam có nhà của người Việt Nam, nên đã tìm cách nhờ người hàng xóm giúp để trốn về nước và được đoàn tụ cùng gia đình.
Trường hợp Phao (dân tộc H'Mông) ở Yên Bái, 17 tuổi đã lấy chồng và phải chịu đựng những mệt mỏi trong cuộc sống hôn nhân khi người chồng có quyền quyết định mọi chuyện trong gia đình. Quá mệt mỏi với cuộc sống hôn nhân, nên khi được một người phụ nữ hàng xóm rủ lên thành phố chơi, Phao đã đi ngay. Đến thành phố, họ gặp một người đàn ông là bạn của người kia và được đưa đi tham quan quanh thành phố. Tiếp đó người đàn ông này rủ họ lên Lào Cai để thăm biên giới. Lên đến đây, cả 2 người đã bị bán qua biên giới để làm vợ những người đàn ông Trung Quốc.
Ở nơi đất khách, Phao không có căn cước công dân, không đăng ký kết hôn nên sống như "người vô hình". Phao bị coi như người giúp việc và bị bóc lột tình dục. Nhớ nhà, nhớ các con nên Phao quyết tâm trốn khỏi nơi đó. Trên đường trốn, Phao tìm đến đồn cảnh sát Trung Quốc, nói chuyện bằng tiếng H'Mông và vốn tiếng Trung ít ỏi. May mắn là họ hiểu và giúp cô trở về Việt Nam an toàn, được đoàn tụ với gia đình và các con.
Tìm lại được hi vọng, có cái nhìn khác về giá trị bản thân
Sau khi được giải thoát về Việt Nam, hầu hết những nạn nhân của buôn bán người đều mang mặc cảm, sự xấu hổ và có những sang chấn tâm lý trong việc hòa nhập cộng đồng.
Với Sùng, trải qua thời gian suy sụp, xấu hổ cũng may mắn có chàng trai hiểu và thông cảm, nhưng sau đám cưới, nhu cầu về nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống vẫn chưa được giải quyết. Khi đang trong lúc khó khăn, Sùng nhận được sự trợ giúp sinh kế của dự án Hagar (một tổ chức phi chính phủ thực hành chuyên sâu về hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn, cung cấp những hỗ trợ dành cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng do bạo lực, xâm hại và mua bán người), Sùng đã có vốn làm ăn....
Với sự hỗ trợ tài chính của dự án Hagar, Sùng đã phát triển sinh kế quy mô nhỏ bằng việc chăn nuôi dê. Từ đây chị cũng có thêm tự tin và có cái nhìn khác về giá trị bản thân mình. Những con dê này mở ra cơ hội mới để gia đình chị tăng thu nhập, giúp các con chị tiếp tục được tới trường.
"Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên ai đó thực sự hỏi tôi muốn gì và đề nghị giúp đỡ tôi. Cán bộ quản lý trường hợp của Hagar đã lắng nghe câu chuyện của tôi và khiến tôi cảm thấy an toàn, có hi vọng"- chị Sùng chia sẻ.
Còn chị Phao, với sự kết nối của Hội LHPN tỉnh, dự án Hagar đã hỗ trợ để hàn gắn và tiếp thêm sức mạnh giúp chị tái hòa nhập cộng đồng. Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch Covid-19, Phao đã trở thành thành viên của cộng đồng tự lực trong làng.
Những gì xảy ra với Phao khiến chồng cô có ý thức về nguy cơ bị mua bán và hiểu được nhưng nguy hiểm mà vợ mình đã phải đối mặt. "Trước đây tôi chưa bao giờ được hỗ trợ như vậy. Cảm hơn Hagar rất nhiều, nhờ con trâu này gia đình tôi đang dần tốt hơn. Tôi đã từng đối mặt với rất nhiều kỳ thị và phân biệt đối xử ở quê nhà, nhưng bây giờ tôi đã tìm lại được hi vọng"- cô chia sẻ.
Chia sẻ về Dự án “Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch Covid-19” Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái Hoàng Phương Thúy cho biết, Dự án này do tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái được triển khai tại 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu trong thời gian từ tháng 1/11/ 2021 tới 31/10/2022 với sự tài trợ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Mục tiêu của dự án giúp cộng đồng và chính quyền địa phương tỉnh Yên Bái, Việt Nam ngăn chặn và ứng phó với sự gia tăng nạn mua bán người do Covid-19.
Đến nay, Dự án đã tổ chức 21 sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức về các dấu hiệu, hình thức mua bán người cũng như những kênh liên hệ hỗ trợ, dự án ghi nhận đã tiếp cận 30,000 người tại 46/46 thôn bản. Đồng thời, thông qua chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội, các thông điệp về phòng chống mua bán người cũng đã tác động được 19,759 người.
Bên cạnh đó, các hoạt động của dự án được thiết kế dựa trên các cân nhắc kỹ lưỡng về sang chấn tâm lý của nạn nhân bị mua bán và được triển khai theo phương pháp tiếp cận hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn, hướng tới hỗ trợ nạn nhân bị mua bán vượt qua tổn thương để được hàn gắn và phục hồi. Tính đến hết tháng 10/2022, dự án đã thực hiện hỗ trợ 20 nạn nhân mua bán người và người có trải nghiệm bị mua bán.
Các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, y tế, sinh kế, sơ cứu tâm lý, giáo dục, nhu cầu thiết yếu được cung cấp theo đúng nhu cầu và đề xuất của nạn nhân mua bán người và người có trải nghiệm bị mua bán.
"Những hỗ trợ sát sườn, thiết thực không chỉ là liều thuốc tinh thần giúp các nạn nhân thêm vững tin khi biết mình không bị bỏ lại phía sau, mà còn giúp họ xây dựng nền tảng cơ bản về việc làm và tài chính để nhanh chóng bắt kịp cuộc sống bình thường"- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái chia sẻ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bi-ban-sang-bien-gioi-sau-khi-uong-nuoc-cua-nguoi-la.html